Đề bài yêu cầu nghị luận về một lí tưởng sống của tuổi trẻ: tinh thần cống hiến cho đất nước, cộng đồng. Vấn đề có ý nghĩa quan trọng thiêng liêng, đặc biệt trong đời sống đương đại.
Đề bài cũng yêu cầu gắn vấn đề nghị luận với thời đại, với nhiệm vụ của thế hệ học sinh đương thời, đòi hỏi sự ý thức, trách nhiệm và hành động cụ thể.
1. Mở bài
- Giới thiệu: Trong lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ nhạc sĩ Vũ Hoàng có viết: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy thử hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc."
- Khái quát vấn đề cần bình luận: Câu hát là một lời khẳng định, một phương châm sống hào hùng, mãnh liệt, khao khát cống hiến của bao thế hệ người trẻ xưa, thúc đầy bao con tim hăng say làm việc, xây dựng đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay cũng cần tìm hiểu và rút ra cho bản thân một lí tưởng sống hợp lí, đúng đắn nhất.
2. Thân bài
* Giải thích ý kiến
- Tổ quốc là tên gọi thiêng liêng chỉ đất nước, con người, truyền thống lịch sử văn hoá. Đó là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, nơi chúng ta được sống, vui chơi, học tập cùng bạn bè, quây quần bên gia đình thân yêu.
- Bên cạnh đó, "cống hiến" là sự đóng góp sức lực, mồ hôi xương máu, chất xám vào lợi ích tập thể, vào lợi ích chung của một cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Cống hiến của mỗi con người đều quan trọng, và sự cống hiến càng tốt thì xã hội càng mau tiến bộ, Tổ quốc ta ngày càng trở nên văn minh, hiện đại.
* Bình luận
- Khẳng định tính đúng đắn của luận đề về lí tưởng sống, cống hiến: Con người được hưởng thụ nhiều thứ từ cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại, điều kiện y tế, giáo dục giáo dục, văn hóa nghệ thuật... Những điều kiện sống đó được tạo nên nhờ công sức lao động, sự đóng góp của những người lao động trong cộng đồng. Mỗi người như nông dân, công nhân, bác sĩ, kĩ sư... không phân biệt địa vị, giai cấp đang ngày đêm làm việc, cống hiến.
- Minh chứng trong lịch sử: Vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc mà những tấm gương sáng trong lịch sử đã cống hiến hết mình, thậm chí hi sinh. Từ thời vua Hùng Vương, Bà Trưng, Bà Triệu rồi đến các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn,... đều có những anh hùng đã xả thân mình bảo vệ dân tộc khỏi kẻ thù xâm lược, dốc hết sức mình để đề ra những chính sách cải cách hợp lí, giúp bồi đắp nên hình hài lãnh thổ như: Lý Thái Tổ đã dời đô ra Thăng Long, Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan giặc Nguyên - Mông, Lê Lợi thành công với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Quang Trung với chiến công đại phá 20 vạn quân Thanh,...
- Nhân dân ta đã đổ rất nhiều mồ hôi xương máu để giữ được hình hài, tiếng nói, tư tưởng Việt cho đến nay. Vì vậy, chúng ta phải hết lòng yêu Tổ quốc, hết sức giữ gìn và xây dựng tổ quốc ngày càng phát triển hơn. "Cống hiến" cho Tổ quốc mình là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả nhất của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay - những người đang đi học, đi làm.
* Bàn bạc mở rộng
- Câu nói trên là động lực cho mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên đang ngày đêm làm việc cống hiến cho đất nước, để "Tổ quốc ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò.
- "Cống hiến" giúp cho mọi người sức mạnh, ý chí để sống, để phát triển, để vượt qua những khó khăn, gian khổ.
- Ngược lại, còn rất nhiều bạn trẻ có lối sống, tư tưởng lệch lạc, chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến, cống hiến ít, không đúng đắn mà muốn hưởng thụ nhiều. Một số người thường có những đòi hỏi về lợi ích, về phúc lợi xã hội, điều kiện làm việc... và thường so sánh những điều kiện đó với nước ngoài tạo nên tâm lí chán nản, ngại dấn thân. Một số người lựa chọn sống ở nước ngoài, làm việc cho nước ngoài thay vì ở Việt Nam. Sự lựa chọn của cá nhân cũng đáng được tôn trọng tuy nhiên chưa phải là cách tốt nhất để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhà toán học Lê Bá Khánh Trình đã từng nói: Các bạn trẻ muốn thay đổi thì hãy về nước để thay đổi, nghĩa là cần phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích lâu dài lên hàng đầu.
* Phương châm hành động ứng xử
Chúng ta phải cống hiến thiết thực, phải thể hiện qua hành động một cách đúng đắn: "cống hiến" đã đem lại cho chúng ta sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng, tâm hồn, vốn sống, kiến thức và năng lực. "Cống hiến" giúp con người hoàn thiện hơn, xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp.
Cần nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ. Chúng ta nên biết hi sinh một phần hưởng thụ của cá nhân cho tương lai đất nước và khi cần thì sẵn sàng hi sinh tất cả, lo cho thiên hạ trước, hưởng từ thiên hạ sau.
Có thể yêu cầu "cống hiến" là điều rất to tát, vĩ đại khiến chúng ta ngại ngần nhưng mỗi người, ở vị trí của mình hãy làm việc nghiêm túc, hết công sức, tâm huyết của mình, bằng sự chân thành, trong sáng đóng góp chung sự phát triển của gia đình, xã hội và đất nước.
3. Kết luận
- Khẳng định đây là một triết lí sống rất đúng đắn. Ở thời kì nào cũng vậy, sự "yêu thương và dâng hiến" của thế hệ trẻ luôn là nguồn sức mạnh quan trọng cho sự phát triển, vươn lên của đất nước.
- Đó còn là động lực rất mạnh mẽ cổ vũ cho cho chúng ta trong đường đời.
Luu ý: Bài viết nên có những dẫn chứng cụ thể tiêu biểu về tinh thần cống hiến, đặc biệt của lớp trẻ hiện nay: Thuyền phó cảnh sát biển 4033 Phạm Khả Đăng, mẹ bị ung thư trong giai đoạn hiểm nghèo nhưng anh vẫn bám trụ với đồng đội, bảo vệ biển đảo quê hương; vận động viên Ánh Viên, 19 tuổi, bằng nghị lực và tài năng phi thường đã đem vinh quang về cho Tổ quốc; những người lính - người dân ở hải đảo, ở biên giới là những nhân chứng, những cột mốc sống bảo vệ đất nước...