1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả,tác phẩm
Lưu Quang Vũ được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu, một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây tiếng vang lớn. Từ cốt truyện dân gian, nhà văn xây dựng một vở kịch hiện đại chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lý nhân sinh sâu sắc.
- Hồn Trương Ba bị đẩy vào tình huống éo le, có sự đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà mình được trú ngụ. Lớp kịch này là một phần của cảnh 7 . Nỗi đau khổ dằn vặt trong nhân vật Hồn Trương Ba phát triển lên đến đỉnh điểm để từ đó đi đến quyết định cuối cùng.
2. Thân bài
* Giải thích:
+ Thể xác và linh hồn là một thể thống nhất, là hai mặt tồn tại không thể thiếu trong một con người.
+ Bi kịch là nỗi đau đớn, tủi cực đến tột cùng không sao thoát khỏi được.
+ Khát vọng là những mong muốn của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ.
* Phân tích chỉ ra tính bi kịch và khát vọng của Hồn Trương Ba:
Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba:
- Nỗi khổ day dứt của một nhân vật khi tâm hồn thanh cao phải ẩn nấp trong xác anh hàng thịt thô thiển, hơn thế Hồn Trương Ba có nguy cơ bị thân xác lấn át. Hồn phải trải qua những cuộc đấu tranh với thể xác đầy ham muốn bản năng. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác càng khiến hồn rơi vào bế tắc, đau khổ.
+ Hồn bức bối bởi không thế nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Hồn Trương Ba cũng càng lúc càng rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
+ Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn hồn vần phải thừa nhận: cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với "tay chân run rẩy", "hơi thở nóng rực", "cổ nghẹn lại" và "suýt nữa thì...". Đó là cảm giác "xao xuyến" trước những món ăn mà trước đây hồn cho là "phàm". Đó là cái lần ông tát thằng con ông "tóe máu mồm máu mũi",... Xác anh hàng thịt gợi lại tất cả những sự thật ấy khiến hồn càng cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình ti tiện. Xác anh hàng thịt còn cười nhạo vào cái lí lẽ mà ông đưa ra để ngụy biện: "Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn,...". Trong cuộc đối thoại này, xác thắng thế nên rất hể hả tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo khi thì lên mặt dạy đời, chỉ chỏ, châm chọc. Hồn chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu.
- Từ khi phải trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt để sống, hồn Trương Ba càng trở nên đáng sợ và xa lạ trong mắt người thân. Bi kịch bị từ chối.
(dẫn chứng: Hồn Trương Ba đâu còn là người làm vườn chăm chỉ, hiền hậu, hết lòng yêu thương vợ con như ngày xưa. Hồn Trương Ba vụng về, thô lỗ chứ không còn nhẹ nhàng khéo léo khi chăm sóc cây cối hay chữa nan diều cho cu Tỵ. Ngay cả chị con dâu rất yêu thương bố chồng mà chị cũng không khỏi ngỡ ngàng, xót xa sự thay đổi của bố chồng...)
+ Tất cả những người thân yêu của hồn Trương Ba đều nhận ra cái nghịch cảnh trớ trêu. Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình đã khiến hồn Trương Ba cảm thấy không thể chịu nổi. Nỗi cay đắng với chính bản thân mình cứ lởn dần... lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào.
- Nhà viết kịch đã để cho Hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ... Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? "Chẳng còn cách nào khác"! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!" Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát. Sự do dự bị đẩy lùi, bị xua tan. Sự tỉnh ngộ của hồn Trương Ba tuy muộn màng nhưng thật có nhiều ý nghĩa. Con đường tự giải thoát, linh hồn đã nhìn thấy ánh sáng. => Thái độ cư xử của người thân khiến cho hồn Trương Ba đau khổ, tuyệt vọng, đi đến quyết định giải thoát.
- Khát vọng của hồn Trương Ba:
+ Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo" muốn tách ra khỏi thân xác kềnh càng thô lỗ. Những lời thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật Hồn Trương Ba đã tự ý thức về tình cảnh trớ trêu đầy tính bi hài.
+ Để giữ sự trong sạch của mình hồn Trương Ba đã chấp nhận cái chết vĩnh viễn, khước từ cuộc sống không phải là mình. Quyết định dứt khoát xin Đế Thích cho cu Tỵ được sống lại cho mình được chết hẳn chứ không nhập vào ai nữa.
Hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lý cho thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống, khao khát được sống đúng với mình.
3. Đánh giá, nhận xét về nghệ thuật trong đoạn :
- Nghệ thuật thể hiện:
+ Xây dựng tình huống kịch căng thẳng.
+ Ngôn ngữ nhân vật sinh động.
+ Cùng với diễn tả những hành động bên ngoài, tác giả còn rất thành công khi phản ánh thế giới tinh thần của nhân vật.
4. Tiểu kết
Ý nghĩa tư tưởng:
- Được sống làm người là rất quý giá song được sống đúng là mình, sống trọn vẹn giá trị mà mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn.
- Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những ngịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
=> Có ý nghĩa thực tế rất cao bởi đây không chỉ là vấn đề của nhân vật Trương Ba mà còn là vấn đề của con người hiện đại. Gợi mở lối sống đúng đắn để đem lại hạnh phúc và sự thanh thản của tâm hồn, sự tha hoá ở mỗi con người trong đời sống hiện nay.
5. Kết bài
- Tóm lại, trong đoạn trích, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện một cách sâu sắc và sinh động bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba, bi kịch của một con người không được sống toàn vẹn mà mình phải sống "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo".
- Qua bi kịch của hồn Trương Ba, nhà viết kịch tài năng đã gửi tới độc giả nhiều thế hệ những triết lí nhân sinh sâu sắc về hạnh phúc, sự sống và cái chết, đồng thời phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ, góp phần đấu tranh chống lại sự tha hoá ở mỗi con người trong đời sống hiện nay.