1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng, phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt nắm vững thao tác phân tích, chứng minh để làm sáng rõ vấn đề.
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.
2. Yêu cầu về nội dung:
2.1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận: (1.0 điểm) (Sử dụng câu nói của đề bài để giới thiệu)
2.2. Giải thích vấn đề và bàn luận: (3.0 điểm)
- Cái Tôi trong thơ ca được hiểu là cái tôi của cảm xúc, là cá tính sáng tạo của nhà thơ. Vì thơ ca là hoạt động sáng tạo tinh thần, là sự tự thể hiện mình một cách trực tiếp và chân thành nhất, cho nên thơ ca in đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ. Do đó, thơ ca là sự thể hiện cái tôi của nhà thơ sâu sắc nhất.
- Thơ mới là một cuộc cách mạng thơ ca trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc ở thế kỷ XX. Sự xuất hiện của Thơ mới đi liền với sự ra đời của Phong trào Thơ mới 1932 – 1945. Phong trào Thơ mới đã mở ra “một thời đại trong thi ca”, mở đầu cho sự phát triển của thơ ca Việt Nam theo hướng hiện đại. Đây được xem như thời đại của cái Tôi – một thời đại chưa từng có trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Thơ mới được coi là dàn hợp xướng của cái Tôi.
- Con người cá nhân, cá thể xuất hiện trong Thơ mới là con người trực tiếp đối diện với thế giới và đối diện với chính mình, là con người đã rũ bỏ gánh nặng của nhà luân lý với thơ và bằng thơ, là con người hoàn toàn tồn tại với tư cách là một cái tôi mang cảm xúc cá thể. Khám phá vườn Thơ mới, chúng ta có thể nhận ra hương sắc riêng của từng phong cách. Và cũng từ những vần thơ mang dấu ấn chủ thể sáng tạo ấy, cái Tôi phức tạp nhưng đầy hấp dẫn đã đi vào trung tâm thơ ca với đầy đủ ý nghĩa nhân bản. Dường như trước sự suy biến của xã hội, cùng ảnh hưởng bởi văn hóa Tây phương, cái Tôi trong Thơ mới bấy lâu dồn nén chợt vỡ òa. Cái Tôi đó vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền văn hóa mới. Các nhà Thơ mới đều có ý thức khẳng định mình như một thực thể duy nhất không lặp lại.
2.3. Chứng minh qua một số tác phẩm của các nhà thơ khác nhau: (6.0 điểm) (Thí sinh có thể chọn tác phẩm ở cấp II hoặc cấp III tùy ý, miễn phù hợp với đề bài, sau đây là một số gợi ý để tham khảo)


2.4. Ý nghĩa và giá trị cái Tôi của nhà thơ trong thời kì Thơ mới: (2.0 điểm)
- Góp phần khẳng định tài năng, vị trí của từng nhà thơ trong phong trào Thơ mới nói riêng và trong nền thơ hiện đại Việt Nam nói chung.
- Giai đoạn 1932 – 1945, con người cá nhân được ý thức và khẳng định, cái Tôi được giải phóng. Thơ mới có khả năng diễn đạt những rung cảm tinh tế của cái Tôi cá nhân, tạo nên sự cách tân đáng kể so với thơ cũ.
- Trong phong trào Thơ mới, mỗi cái Tôi mang một hương sắc riêng tạo nên một thế giới đa dạng, phong phú về phong cách. Sự bùng nổ của cái tôi đã đưa thơ vươn tới báo giá trị mới chưa từng có trước đó.
- Sự bùng nổ của cái tôi cùng với sự bùng nỗ ngôn từ của Thơ mới đã đưa thơ Việt Nam bước vào và tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Thơ mới là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu một thời kỳ mới, mở ra thời kỳ hiện đại của thơ ca nước nhà, góp phần giải quyết được những so le lịch sử quá lớn giữa hiện thực cuộc sống và hiện thực thơ ca.
* Lưu ý: Đây là tham khảo chấm, khi giám khảo chấm thi phát hiện những bài thi có sự sáng tạo thì có thể cho điểm tuyệt đối phần đó dù có mắc một số lỗi diễn đạt nhưng không đáng kể.
3. Biểu điểm:
- Điểm Giỏi (10 – 12): Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Kiến thức lí luận chắc, hiểu sâu về vấn đề, trình bày được các ý sâu sắc và phong phú. Phân tích sâu, kĩ, có cảm xúc các tác phẩm phù hợp để nêu bật vấn đề. Có sáng tạo, cá tính trong hình thức và nội dung bài làm. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, nêu bật luận đề, luận điểm; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, có thể còn mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ.
- Điểm Khá (7 – 9): Đáp ứng khá các yêu cầu của đề. Hiểu vấn đề, chọn được một số tác phẩm phù hợp để làm rõ vấn đề nhưng ý chưa phong phú, phân tích chưa thật kĩ, văn chưa cảm xúc; bố cục hợp lý, lập luận tương đối chặt chẽ, có thể còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm Trung bình (6): Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đề. Hiểu vấn đề nhưng ý chưa sâu, chưa phong phú. Có chú ý nêu bật luận điểm nhưng phân tích tác phẩm chưa sâu, chưa kĩ. Bố cục hợp lý, lập luận tương đối chặt chẽ, còn mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm Yếu (4 – 5): Bài làm ít ý, chưa chú ý làm rõ luận đề. Phân tích sơ sài, ít dẫn chứng. Lập luận tạm được, còn mắc nhiều lỗi về dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Điểm Kém (1 – 3): Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề, sa vào việc phân tích chung về tác phẩm; chọn và phân tích tác phẩm để chứng minh thiếu thuyết phục, bố cục không hợp lý, diễn đạt còn hạn chế,…
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng.