Quê hương là nơi bố mẹ ta sinh ra và lớn lên. Đó cũng là nơi chứa đựng tuổi thơ tươi đẹp của mỗi người. Do đó, có thể nói rằng, quê hương có vai trò rất quan trọng với thế giới tinh thần của mỗi người. Tình cảm quê hương cũng vì vậy mà trân quý hơn bao giờ hết.
Tình cảm dành cho quê hương, là tình yêu thương, quý trọng. Là khi đi xa thì nhớ nhung khôn xiết, là khi nhớ về thì trái tim yên bình, hạnh phúc. Tình cảm ấy vô cùng chân thành, thiêng liêng và trân quý. Mỗi khi đến đâu, chúng ta đề bất giác mà nhớ về, mà so sánh với quê hương của mình. Chúng ta tìm kiếm dáng hình dòng sông, ngọn núi, bờ ao của những nơi mình đi qua với quê hương mình. Tình cảm quê hương ấy, còn là niềm tự hào thật khó gọi tên. Chúng ta tự hào về những gì mà quê hương mình có, tự hào về lịch sử và truyền thống của quê hương, tự hào vì được mang tên người con của quê hương. Điều đó là lý do mà những người con xa quê, thường tìm đến nhau trong Hội đồng hương. Họ lại gần với nhau hơn, thân thiết với nhau hơn chính bởi hai từ quê hương. Quê hương là một điểm tựa, một cốc mốc to lớn trong biển tinh thần. Giống như ngọn hải đăng trên biển lớn, cho chúng ta biết mình đến từ đâu và phải trở về đâu sau hành trình dài. Chỉ cần quê hương còn đó, thì giống như ngọn hải đăng mãi rực sáng, chúng ta sẽ không bao giờ lạc đường.
Quê hương đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách, lối sống và bản sắc của mỗi người. Văn hóa, truyền thống của quê hương sẽ ảnh hưởng đến những nhận thức, tính cách và lối sống của con người. Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết “dấu ấn” đậm nét của quê hương trong mỗi người qua những lời nói, hành động và thái độ sống. Đó là nét hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội, là sự phóng khoáng, thân thiện của người Sài Gòn hay sự cố gắng, hiếu học của người Hà Tĩnh. Truyền thống, vẻ đẹp của quê hương nuôi dưỡng ở con người những tình cảm, tính cách tốt đẹp hay nói cách khác mỗi người con trên mảnh đất ấy kế thừa và phát huy được vẻ đẹp của quê hương mình.
Quê hương tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để con người vượt qua mọi khó khăn, thách thức của hoàn cảnh. Đó là sức mạnh quật cường của con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ trường kì. Chính tình yêu quê hương, xóm làng đã thôi thúc con người đứng lên đấu tranh để bảo vệ mảnh đất quê hương, giành độc lập cho đất nước bởi như nhà văn Ê-ren-bua từng nói “lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên tình yêu Tổ quốc”. Trong cuộc sống hiện đại, quê hương lại là điểm tựa tinh thần vững chãi, nơi nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng; nơi tiễn bước chúng ta bước vào đời để thực hiện những hoài bão và cũng là nơi dang rộng vòng tay đón chúng ta trở về sau những sóng gió, thất bại.
Khi đất nước ngày càng phát triển quá trình nông thôn mới cũng được đẩy mạnh hơn. Tình yêu quê hương được biểu hiện bằng hành động. Có rất nhiều người thành đạt xa quê đã có những đóng góp về tiền bạc và sức lực để xây dựng một quê hương ngày càng vững mạnh và phát triển hơn. Đây đều là những biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước với mong muốn quê hương mình ngày càng phát triển hơn. Yêu quê hương còn là trách nhiệm xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn.
Ngày nay yêu quê hương không phải cứ phải cầm súng đánh giặc nữa, mà yêu quê hương chính là góp phần dựng xây quê hương phát triển ngày càng giàu mạnh hơn. Chúng ta là những thế hệ trẻ hãy góp phần công sức của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh hơn nữa.