27/02/2024
27/02/2024
Từ “đốm lửa” Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa sau đó nhanh chóng phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng, chống Minh và kết thúc thắng lợi. Có thể hình dung một cách khái quát, cuộc khởi nghĩa trải qua 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (1418-1424) với lực lượng ban đầu chỉ khoảng 600 quân và 14 thớt voi. Dựa vào dân, Lê Lợi đã chỉ huy nghĩa quân đánh lui nhiều đợt vây ráp của quân Minh, mở rộng địa bàn đứng chân kéo dài từ lưu vực sông Chu đến sông Mã. Giữa năm 1424 (có tư liệu ghi năm 1423), nghĩa quân co về Lam Sơn củng cố lực lượng, tạm hòa hoãn với địch, chờ thời cơ. Giai đoạn 2 (1424-1425), nghĩa quân chuyển hoạt động về phía Nam, đại phá quân Minh, giải phóng một loạt địa bàn quan trọng của Nghệ An, tiến chiếm Tân Bình, Thuận Hóa rồi thừa thắng quay ra giải phóng Thanh Hóa (trừ thành Tây Đô). Vùng giải phóng tiếp tục được mở rộng; thế lực và uy tín của Lê Lợi, tầm ảnh hưởng của nghĩa quân Lam Sơn ngày càng tăng. Giai đoạn 3 (1425-1427), đại quân của Lê Lợi lúc này đã lên đến 100.000 nghĩa binh được chia làm hai cánh: Một bộ phận nhỏ tiếp tục vây hãm các đồn binh còn lại của quân Minh ở phía Nam, còn phần lớn lực lượng tiến quân ra Bắc.
Cuộc tiến công dũng mãnh của nghĩa quân Lam Sơn nhanh chóng phát triển thành phong trào nổi dậy rộng lớn của nhân dân, làm tan rã chính quyền đô hộ ở nhiều nơi và uy hiếp trực tiếp đạo quân Minh ở thành Đông Quan. Trong giai đoạn này đã diễn ra nhiều trận đánh quan trọng mang tính quyết định như: Trận Ninh Kiều-Nhân Mục, trận tiêu diệt đạo quân viện binh của Vương An Lão ở cầu Xa Lộc; trận tiêu diệt quân của Vương Thông ở Chúc Động-Tốt Động...
Thừa thắng tiến lên, cuối năm 1426, nghĩa quân vây hãm thành Đông Quan, đồng thời kết hợp đẩy mạnh tiến công trên toàn bộ chiến trường, buộc quân Minh phải căng sức đối phó. Hàng loạt thành lũy quan trọng như: Nghệ An, Điêu Diêu, Tam Giang, Xương Giang... lần lượt bị quân và dân Đại Việt đánh chiếm. Vòng vây Đông Quan ngày càng siết chặt. Tháng 10-1427, nhà Minh tiếp tục cử 15 vạn quân tăng viện do Mộc Thạnh và Liễu Thăng chỉ huy, theo đường thủy, bộ tiến vào Đại Việt hòng xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, đạo quân này đã bị chặn đánh tan tác trong trận Chi Lăng-Xương Giang. Sau khi hay tin hai đạo viện binh bị tiêu diệt, mọi hy vọng cứu vãn tình thế bị dập tắt, tướng giặc là Vương Thông cùng hàng vạn quân Minh ở thành Đông Quan buộc phải chấp nhận giảng hòa, cùng Bình Định vương Lê Lợi “hội thề” ở phía Nam thành Đông Quan.
Hội thề Đông Quan diễn ra vào cuối năm Đinh Mùi (1427). Tham gia hội thề, về phía nghĩa quân Lam Sơn có 14 người do Lê Lợi dẫn đầu. Sử cũ chép rằng, sau khi kính cáo hoàng thiên (trời), hậu thổ (đất) cùng với danh sơn (núi thiêng), đại xuyên (sông lớn) và thần kỳ các xứ, Lê Lợi và Vương Thông cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn:
“Từ sau khi lập lời thề này, quan Tổng binh Thành Sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm.
Bọn Lê (Lợi) chúng tôi nếu còn chứa giữ lòng làm hại, tự làm việc lừa dối, không dẹp ngay quân lính, ngựa, voi, việc làm không đúng, lời nói ngầm sai... tức thì trời, đất, thần minh, núi cao, sông lớn cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi và của cả nước tôi giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.
Về phía bọn quan Tổng binh Thành Sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề... thì trời, đất cùng là danh sơn, đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan Tổng binh Thành Sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà.
Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì trời, đất, thần minh đều phù hộ cho để bản thân mình được mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên. Trời, đất, thần kỳ cùng soi xét cho”.
Giữ đúng lời hứa, Bình Định vương Lê Lợi cùng “bộ tham mưu” của nghĩa quân lệnh cho ba quân tạo điều kiện thuận lợi cho quân Minh được rút lui về nước một cách an toàn. Sử cũ chép rằng, ngày 12-12 năm Đinh Mùi (1427), Vương Thông chỉ huy quân thủy và bộ rút theo dòng sông Lô. Trên đường rút, tất cả đều ghé qua dinh Bồ Đề lạy tạ. Nhiều tên vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.
Hội thề Đông Quan đã thể hiện rất rõ tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn của người Việt. Nó cho thấy sự thăng hoa của tư tưởng “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, “lấy chí nhân thay cường bạo”... của các bậc tiền nhân mà Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng quân và dân Đại Việt đã kế thừa, phát triển đến tầm cao trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng, chống Minh. Thật đúng như bộc bạch trong bài “Chí Linh sơn phú” (Phú núi Chí Linh) của Nguyễn Trãi:
... Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước
Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh
Sửa hòa hiếu cho hai nước
Tắt muôn đời chiến tranh.
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
Top thành viên trả lời