* Biện pháp tu từ so sánh: là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho biểu đạt.
- Dấu hiệu nhận biết: Từ so sánh “là”, “như”,... hoặc có thể không sử dụng từ so sánh nhưng người đọc vẫn hiểu ý nghĩa so sánh trong câu.
* Biện pháp tu từ nhân hóa: Là cách gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,... bằng những từ ngữ vốn dùng để gọi hoặc tả con người làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
- Dấu hiệu nhận biết: Sử dụng các từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của con người như nghĩ, nhìn, yêu, ghét, xinh xắn,... để miêu tả sự vật, sự việc, hiện tượng.
* Biện pháp tu từ ẩn dụ: Là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Dấu hiệu nhận biết: Có sự tương đồng về hình thức, về âm, về ý nghĩa giữa hai sự vật, hiện tượng.
* Biện pháp tu từ hoán dụ: Là cách gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Dấu hiệu nhận biết: Các phương pháp hoán dụ dựa trên mối quan hệ giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, giữa bộ phận và toàn thể, giữa cái container và cái bị chứa đựng, giữa nguyên liệu và sản phẩm, giữa dấu hiệu của sự vật và chính sự vật ấy.