Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những giá trị bị ẩn dấu, những mặt trái với quy luật thông thường trong xã hội. Và truyện ngắn Lão Hạc là một minh chứng điển hình cho sự khám phá độc đáo ấy của nhà văn.
Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ, bất hạnh. Vợ mất sớm, đứa con trai duy nhất bỏ đi đồn điền cao su vì không có đủ tiền cưới vợ. Lão Hạc sống cô đơn trong nỗi buồn nhớ con và già yếu, ốm đau cùng với một chú chó để bầu bạn. Lão yêu con rất nhiều, day dứt vì không lo đủ được hạnh phúc cho con. Ngày cậu Vàng - người bạn duy nhất khi về già đến tuổi phải bán đi, lão đã vô cùng đau đớn, xót xa. Lão đã khóc như trẻ con, nhìn chăm chăm vào khoảng trống như tưởng tượng ra gương mặt của đứa con trai. Không chỉ vậy, tình yêu thương con của lão còn được thể hiện qua những chi tiết khác như: lão gửi lại ông giáo ba mươi đồng bạc để phòng khi lão chết có tiền ma chay; hay khi lão chấp nhận ăn củ chuối, sung luộc... để dành tiền cho con trai. Tình phụ tử ở lão Hạc khiến người đọc cảm động sâu sắc.
Không chỉ là một người cha mẫu mực, lão Hạc còn là một người nông dân tự trọng và giàu lòng nhân hậu. Dù sống trong cảnh bần hàn nhưng lão vẫn quyết giữ vững nhân cách và phẩm giá của mình. Mặc dù đói, nhưng lão kiên quyết từ chối sự giúp đỡ của ông giáo, Binh Tư mà chẳng hề do dự. Cái chết của lão chính là minh chứng rõ nhất cho sự trong sạch, thanh cao của một lão nông nghèo khổ. Lão chọn cái chết vật vã, đau đớn để tâm hồn được trong sạch, đó là cái chết đầy thẫm đẫm tính nhân văn. Đồng thời, cái chết ấy cũng là lời tố cáo gián tiếp xã hội phi nhân đạo, dồn đẩy con người lương thiện vào bước đường cùng.
Bên cạnh đó, lão Hạc còn là một người rất hiền lành, tốt bụng và giàu lòng vị tha. Điều đó được thể hiện qua việc lão đối xử với con chó mà đứa con trai để lại. Cậu Vàng được coi như một người thân trong gia đình bởi nó gợi lên kỉ niệm đẹp đẽ của anh với bố. Lão gọi "cậu" rất âu yếm, thiết thai, mỗi bữa cơm đều phần cho nó một phần thức ăn, rồi bắt rận, tắm rửa, mắng yêu nó... Còn đối với Binh Tư, một kẻ chỉ biết trộm cắp, lừa lọc thì lão Hạc lại tỏ ra rất bao dung và sẵn sàng chia sẻ những thứ mà mình có.
Tóm lại, lão Hạc là một nhân vật thành công mà Nam Cao đã xây dựng lên. Để làm được điều đó, nhà văn đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, kết hợp với giọng kể linh hoạt, ngôn ngữ chân thực, giản dị, mang đậm màu sắc nông thôn. Qua đó, nhà văn bày tỏ tấm lòng trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn, cao quý trong mỗi người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.