Trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta luôn cần những bài học để trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như cách đối nhân xử thế. Và điều đó đã được thể hiện rõ nét thông qua hai tác phẩm "Lời ru của mẹ" của Nguyễn Đăng Tấn và "Dặn con" của Trần Nhuận Minh. Qua đây, chúng ta thấy được tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý cùng tấm lòng nhân ái giữa con người với con người.
Đoạn trích đầu tiên nói về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử. Người mẹ đang hát ru đứa con bé bỏng của mình ngủ ngon. Lời ru ấy vừa là lời ca ngọt ngào, lại vừa giống như một bài học mà người mẹ muốn dạy dỗ cho đứa con nhỏ của mình. Cuộc đời của mỗi người đều có những khó khăn, thử thách riêng. Nhưng nếu cố gắng, nỗ lực vượt qua tất cả thì chắc chắn sẽ nhận được "quả ngọt". Những bông hoa càng thơm, những trái ngọt càng sai thì đều phải trải qua nắng mưa, gió bão. Mùa màng bội thu thì người nông dân phải vất vả, cực nhọc trên cánh đồng. Cũng giống như vậy, con người muốn đạt được ước mơ, khát vọng của mình thì đều phải trả qua những khó khăn, thử thách. Bố mẹ có thể nghiêm khắc, thậm chí là dùng tới đòn roi khi con mắc lỗi, nhưng tất cả đều là vì mong con tốt đẹp hơn. Chỉ có dựa vào sức của mình thì con mới có thể đứng vững trên cuộc đời nhiều giông bão này.
Còn với đoạn trích thứ hai, tác giả đã đề cập đến vấn đề thái độ của mỗi người với những số phận bất hạnh trong xã hội. Nhân vật trữ tình trong bài đã gặp một người ăn mày già tới xin ăn. Ông đã nấu cho cụ một bát cháo rồi mời cụ ngồi vào ghế, nhẹ nhàng đút từng thìa cho cụ. Khi ấy, đứa con đã hỏi rằng liệu người ăn mày kia có đánh cắp bát cháo ấy hay không. Để đáp lại, ông đã kể cho con nghe câu chuyện về người anh hùng Lê Lợi và thái độ của ngài khi gặp một lão ăn mày. Từ đó, ông muốn nhắn nhủ tới con rằng cần phải có sự tôn trọng dành cho những mảnh đời bất hạnh. Dù hoàn cảnh của họ có ra sao, họ vẫn là con người, vẫn có lòng tự trọng. Chúng ta không nên coi thường hay chế giễu họ. Bởi biết đâu, một ngày nào đó, hoàn cảnh đổi thay, chúng ta cũng trở nên như vậy. Lúc đó, liệu có ai đối xử với ta bằng sự nhân hậu giống như ta đã dành cho họ?
Như vậy, cả hai đoạn trích đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, mỗi đoạn trích lại đề cập đến một khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Điều đó giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống.