Nguyễn Thành Long là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và kí. Ông đã gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm chân thành của mình vào trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa". Tác phẩm được sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai, được in trong tập "Giữa trong xanh" (1972). Qua câu chuyện, ta thấy vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Sa Pa và vẻ đẹp của con người nơi đây hiện lên thật đáng trân trọng.
Truyện kể về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm khí tượng trong vòng nửa giờ trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Ông họa sĩ và cô gái muốn vẽ, muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên trước khi tạm biệt nhau. Anh thanh niên mời họ lên nhà chơi để thể hiện sự chân thành, cởi mở, hiếu khách của mình. Và chính trong khoảnh khắc ba mươi phút ngắn ngủi ấy, anh thanh niên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ông họa sĩ và cô gái về sự hy sinh thầm lặng của những con người ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.
Trước tiên, nhân vật anh thanh niên trong truyện hiện lên với hoàn cảnh sống và làm việc rất đặc biệt. Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm mây mù bao phủ. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tính mây,.. dự báo thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc của anh tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng có ý nghĩa to lớn góp phần phục vụ chiến đấu, sản xuất. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ nhưng anh vẫn luôn giữ được thái độ yêu đời, lạc quan, vui vẻ, say mê học hỏi. Với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống. Anh tâm sự với ông họa sĩ "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?". Câu nói này chứng tỏ anh không hề cô đơn vì đã có đồng nghiệp là công việc gắn bó cùng. Đối với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống. Anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng cống hiến cho công việc. Anh kể với bác họa sĩ "mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?". Đó là những suy nghĩ thật nghiêm túc về ý nghĩa cuộc sống và lẽ sống của mỗi cá nhân đối với quê hương, đất nước. Anh thanh niên còn là người có tấm lòng rộng mở, chân thành, hiếu khách và biết cách quan tâm những người xung quanh. Sống một mình giữa đỉnh núi cao, anh luôn mong muốn có người đến thăm, nói chuyện và luôn cảm thấy thèm người. Vì thế, anh mừng quýnh lên khi lần đầu tiên nhận được lá thư, có người bạn mới. Anh mừng rỡ khi có khách đến thăm. Anh cũng rất xúc động và cảm ơn ông họa sĩ cùng cô kĩ sư đã tặng hoa cho anh. Không chỉ vậy, anh thanh niên còn là người khiêm tốn, giản dị. Những đóng góp của anh tuy rất quan trọng song anh vẫn cho rằng nó chưa là gì so với sự hi sinh của những người khác. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh từ chối bởi vì theo anh, anh chưa xứng đáng. Từ những điều đó, ta thấy anh thanh niên hiện lên với nhiều nét đẹp, chân dung nhân vật hiện lên khá trọn vẹn giúp người đọc thêm tin yêu cuộc sống, tin tưởng vào con người.
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, ta cũng không thể không nhắc đến những nhân vật làm nền tảng, hỗ trợ cho sự xuất hiện của anh thanh niên. Đầu tiên phải kể đến ông họa sĩ - người đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt vời qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Thành Long. Tiếp đến là cô kĩ sư trẻ, cô mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, chấp nhận rời xa thành thị phồn hoa để đến với vùng núi cao Tây Bắc. Cô là đại diện tiêu biểu cho thế hệ thanh niên lúc bấy giờ sẵn sàng dấn thân, cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Cuối cùng là bác lái xe, người đã tạo cơ hội cho anh thanh niên gặp gỡ mọi người. Tất cả các nhân vật đều góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.
Như vậy, truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" đã xây dựng hình tượng nhân vật anh thanh niên với nhiều vẻ đẹp tiêu biểu cho những con người lao động trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc.