. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được Bác Hồ sáng tác khi Người trở về Việt Bắc sau ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài. Trong những ngày đầu cách mạng còn khó khăn, gian khổ, Bác sống và làm việc tại hang Pác Bó - một hang núi nhỏ sát biên giới Việt - Trung. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng Bác vẫn vui vẻ, lạc quan bởi niềm vui to lớn nhất của Người lúc này là được hoạt động cách mạng, mang lại độc lập cho dân tộc. Mở đầu bài thơ, Bác viết: Sáng ra bờ suối, tối vào hang Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng. Chỉ hai câu thôi mà như phác họa ra cả khung cảnh, sinh hoạt nơi núi rừng Pác Bó : sáng ra bờ suối, tối vào hang. Nơi đây chỉ có suối và hang, lấy đâu ra nhà, lấy đâu ra cửa để "ra", để "vào". Đọc lên, ta tự dưng hình dung ra trước mắt một góc rừng nào đó thuộc tỉnh Cao Bằng, bên cạnh chiếc hang đá lạnh lẽo, thâm u, có một con suối không bao giờ ngừng chảy ngày đêm. Không chỉ vậy, thức ăn cũng rất hạn chế: cháo bẹ, rau măng. Những thứ đó, hầu như lúc nào cũng sẵn có bên cạnh. Cuộc sống như thế đơn sơ, giản dị mà thanh cao, gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên. Ta nghe như trong câu thơ có tiếng suối róc rách, có bóng cây che khuất, có hương thơm của hoa bưởi thoảng đưa trong gió... Câu thơ bình dị mà gợi tả đến kinh ngạc. Nó khiến ta tưởng tượng ra một con người khoác áo vải, chân đất, tay xách gùi, lưng đeo dao, lặng lẽ, âm thầm vượt qua núi cao, rừng rậm, thác ghềnh, dù da thịt "có đau đớn" vẫn không kêu than, vững chí bền tâm vượt mọi thử thách, gian khổ.