Tô Hoài là một nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam, các sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường với lối viết giản dị, gần gũi, thông tục. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ sáng tác năm 1952 in trong tập Truyện Tây Bắc (1953) được tặng giải nhất - Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955. Tiền thân của truyện ngắn này là bài Táo quạ đăng báo 1952. Qua số phận cuộc đời của hai nhân vật chính trong truyện: Mị và A Phủ, tác giả đã phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống tối tăm, nô lệ đầy khổ đau của người dân miền núi dưới ách áp bức của chế độ cũ đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt cùng con đường đến với cách mạng của họ.
Mị là cô gái trẻ đẹp, giàu lòng yêu đời, chăm chỉ và hiếu thảo. Nhưng vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà cô bị bắt về làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Tuổi xuân của Mị đã phải trải qua những ngày buồn tãi, ê chề khi phải sống trong cảnh thân phận tôi đòi. Đau khổ tột cùng khi Mị không còn ý niệm về thời gian, không gian "ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi". Nhà văn khai thác từ số phận của nhân vật để nâng lên ý nghĩa khái quát của tác phẩm. Mị tiêu biểu cho kiếp người nông dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Cuộc đời Mị ở nhà thống lí gần như bị chìm đi trong vạc tối ghê sợ của kiếp người nô lệ. Chỉ có điều, Mị là một cô gái can trường, giàu đức hi sinh thì cô mới dứt khoát ra đi tìm hạnh phúc. Trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình đã đánh thức tâm hồn Mị, khiến Mị bừng tỉnh giữa bao nhiêu khao khát tuổi trẻ. Tiếng sáo ấy đã đưa Mị trở lại quá khứ tươi đẹp, những kí ức ấy cứ hiện dần lên trong màn sương mờ ảo của tâm trí Mị. Mị nhớ lại mình cũng từng thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, Mị nhớ về người mà Mị thương, Mị uống rượu và nghe tiếng sáo vọng lại. Mị thấy lòng mình phơi phới trở lại, cảm thấy thiết tha với cuộc sống. Mị ý thức được bản thân mình, nhận biết được nỗi khổ và hoàn cảnh bất công mà mình đang phải chịu đựng. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. Chính lúc này đây, Mị đang vùng dậy, đang vươn tới ánh sáng của tự do, của hạnh phúc. Nhưng rồi, tất cả đều bị A Sử vùi dập. Hắn trói chặt Mị vào cột nhà, quấn luôn tóc lên cột, khiến Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Hành động tàn bạo của hắn khiến Mị đau đớn, nhưng chẳng thể làm gì được, bởi nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, nó không có nơi nào để lau đi. Và thế là Mị phải chứng kiến cảnh vui chơi của bọn chức việc trong làng, chứng kiến người ta nhảy đồng, người ta hát quanh mình mà lòng đau như cắt.
Tô Hoài đã rất thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật Mị. Ông đã đặt nhân vật của mình vào trong hoàn cảnh bế tắc, bị dồn nén để bộc lộ chiều sâu tâm trạng. Đồng thời ngôn ngữ nửa trực tiếp giúp lời văn trở nên linh hoạt, đa dạng, giọng điệu vừa trữ tình, vừa triết lí sâu sắc. Đoạn trích đã góp phần tạo nên giá trị cho tác phẩm, thể hiện tài năng của nhà văn Tô Hoài.