Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn có tư tưởng nhân đạo vừa sâu sắc, mới mẻ, vừa độc đáo. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo, chuyên viết về hai đề tài: người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Chí Phèo là một kiệt tác của Nam Cao, một truyện ngắn xuất sắc nhất trong nền Văn học Việt Nam hiện đại. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật điển hình - hình tượng Chí Phèo, tiêu biểu cho bi kịch của những người nông dân bị tha hóa trong xã hội cũ.
Chí Phèo vốn sinh ra đã bất hạnh. Hắn không cha không mẹ, được một anh thả ống lươn nhặt ở cái lò gạch cũ bỏ hoang rồi đem cho một bác phó cối không con. Khi bác phó cối chết thì hắn đi ở hết nhà này đến nhà khác. Năm 20 tuổi, Chí làm canh điền cho Bá Kiến. Bà ba vợ ông bá thấy Chí "có tính ưng uống rượu" nên dụ dỗ dùng lưỡi dao cạo để làm quen. Sau đó bà lại gọi Chí vào xoa bụng, bóp chân, thế rồi Chí trở thành tay sai đắc lực của Bá Kiến.
Bị Bá Kiến ghen, đẩy đi tù, sau bảy, tám năm Chí Phèo mới trở về làng. Từ đây cuộc đời hắn hoàn toàn thay đổi. Trở về, Chí mang một bộ mặt, một diện mạo khác hẳn. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Cuộc đời hắn rơi vào đáy vực thẳm. Hắn chìm ngập trong cơn say, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say và đánh nhau trong cơn say. Cả làng đều tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua. Ngay cả bà con ruột thịt cũng quay lưng với hắn. Không ai còn nhìn nhận hắn là một con người nữa.
Hắn bị hủy diệt cả nhân tính lẫn nhân hình. Nhưng điều đáng buồn nhất đối với Chí là sự cô đơn tuyệt vọng. Hắn luôn sống trong tình trạng bị mọi người xa lánh, ngay cả khi hắn muốn quay về làm người lương thiện.
Cả làng Vũ Đại không ai quan tâm đến sự tồn tại của hắn. Chính vì vậy mà hắn càng cô đơn hơn bao giờ hết. Hắn thèm được làm hòa với mọi người biết bao! Điều đó chứng tỏ rằng hắn khao khát được làm người lương thiện biết bao! Thế nhưng, thật trớ trêu thay, mọi người đều sợ hắn, tránh mặt hắn. Đến ngay cả Thị Nở - người phụ nữ duy nhất có thể hiểu hắn lại từ chối hắn.
Một mình đối thoại với bản thân, Chí đau đớn nhận ra bi kịch tinh thần của mình. Càng nghĩ, hắn càng rơi vào tuyệt vọng. Trong cơn tuyệt vọng, hắn quyết định đến nhà Bá Kiến để giết Bá Kiến, kẻ đã gây ra tất cả cơ sự này. Nhưng hắn lại quên đi rằng Bá Kiến chẳng phải kẻ thù duy nhất của hắn. Kẻ thù lớn nhất chính là Bá Kiến trong tâm hồn hắn. Vậy nên cuối cùng hắn đã tự kết liễu đời mình. Cái chết bi thảm của Chí Phèo là tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội lúc bấy giờ.
Qua diễn biến tâm trạng của Chí Phèo ta thấy được ngòi bút sắc sảo của Nam Cao trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Đồng thời nó cũng thể hiện được giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Qua đó, tác giả như muốn gửi gắm tới bạn đọc thông điệp ý nghĩa về số phận con người trong xã hội cũ: "Con người dù có bị vùi dập, chà đạp đến mất cả nhân hình, nhân tính vẫn luôn khao khát tình yêu thương và mong muốn được làm người lương thiện".