Trong cuộc sống muôn màu sắc này, mỗi người đều có những phong cách riêng, con đường riêng. Tuy nhiên, để có thể đi tới đích, thực hiện được những dự định, ước mơ của mình, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực. Chính vì thế, ông cha ta đã có câu "Có chí thì nên" để răn dạy con cháu đời sau.
Câu tục ngữ nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản nhưng ẩn chứa một tầng ý nghĩa thật lớn lao. "Chí" có thể hiểu là ý chí, là quyết tâm, là nghị lực trong mỗi con người. Còn "nên" ở đây dùng để chỉ sự thành công, những kết quả ngọt ngào mà mỗi chúng ta mong muốn đạt được. Cả câu tục ngữ đã khẳng định rằng: Chỉ khi có ý chí kiên cường, nghị lực phi thường thì chúng ta mới có thể thành công, đạt được những mục tiêu, ước mơ của bản thân mình.
Trong cuộc sống, có rất nhiều những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực. Họ có thể là những người nổi tiếng, được cả xã hội biết đến, ngưỡng mộ và tôn vinh. Nhưng cũng có thể, họ chỉ là những người bình thường như chúng ta, đang sống quanh ta mỗi ngày. Dù họ là ai thì điểm chung giữa họ chính là ý chí, nghị lực kiên cường. Chắc hẳn mỗi chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện về người anh hùng Cao Bá Quát. Khi còn đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu. Một lần nọ, ông dự thi ở trường huyện, lẫn trong danh sách trúng tuyển nhưng vì chữ quá xấu mà bị quan trường phát hiện và bắt phạt. Kể từ đó, Cao Bá Quát quyết tâm luyện chữ hằng ngày. Ông luyện tập chăm chỉ, kiên trì từng ngày. Chẳng bao lâu sau, chữ ông viết lên như in, tròn vuông rõ ràng, nhìn vô cùng đẹp mắt. Lúc bấy giờ, Cao Bá Quát mới thấy rằng: "Nghị lực, ý chí có thể chiến thắng tất cả".
Tương tự như vậy, nhà bác học lừng danh Thomas Edison cũng từng thất bại hàng nghìn lần trước khi sáng tạo thành công bóng đèn điện. Đó chính là thành quả tốt đẹp đến từ sự kiên trì, nỗ lực của ông. Hay gần gũi nhất với lứa tuổi học trò chính là tấm gương sáng ngời của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy sinh ra đã bị liệt hai tay. Nhưng bằng ý chí, nghị lực, thầy đã tập viết được bằng hai chân. Những ngày tháng miệt mài bên trang giấy đã đem đến cho thầy sự nghiệp vẻ vang, trở thành một người thầy đáng kính như hôm nay.
Trái ngược hoàn toàn với những con người có ý chí phi thường trên, chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít những kẻ dễ nản chí, nhụt chí. Khi gặp phải khó khăn, họ liền vội vã bỏ cuộc, chấp nhận thất bại. Những người như vậy sẽ khó có thể đạt được thành công trong cuộc sống. Bởi lẽ, nếu ngay cả bản thân mình cũng không tin tưởng thì sẽ chẳng có ai tin tưởng bạn cả. Bên cạnh đó, những người không có ý chí sẽ rất dễ nản lòng, buông xuôi. Điều này sẽ khiến cho họ luôn rơi vào trạng thái bất ổn, lo lắng và mệt mỏi.
Để có thể tôi luyện được một ý chí vững vàng, sắt đá, chúng ta cần phải rèn luyện bản thân từng ngày. Là một học sinh, chúng ta cần xác định những mục tiêu rõ ràng và từng bước thực hiện những mục tiêu ấy. Hãy kiên trì theo đuổi đam mê, chắc chắn chúng ta sẽ thành công!
Như vậy, câu tục ngữ "Có chí thì nên" đã đem đến cho mỗi người một lời khuyên vô cùng quý giá. Mỗi chúng ta hãy ghi nhớ câu tục ngữ trên như một kim chỉ nam cho cuộc sống của mình.