Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm "Truyện Kiều" - kiệt tác số một của văn học trung đại Việt Nam, ngoài truyện thơ này ông còn nhiều sáng tác chữ Hán đặc sắc, tiêu biểu có bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí". Tác phẩm là tiếng lòng đồng cảm sâu sắc của Nguyễn Du với số phận bất hạnh của người phụ nữ, là tiếng nói phê phán mạnh mẽ thực trạng xã hội phong kiến tàn bạo.
Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc tài sắc vẹn toàn nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên được gả vào một gia đình giàu có, từ đó nàng bị vùi dập và ra đi trong cảnh ngộ vô cùng đau đớn khi tuổi còn trẻ. Những bài thơ của nàng được tập hợp lại thành cuốn "Phần dư" để bày tỏ nỗi niềm uất hận. Cảm thông cho số phận của nàng, Nguyễn Du đã viết nên bài thơ Độc Tiểu Thanh kí.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh Tây Hồ hóa gò hoang với khung cảnh hoang vắng, gợi sự cô đơn, hiu quạnh:
"Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư."
(Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)
Hình ảnh "gò hoang" gợi ra sự ảm đạm, hoang vắng, thê lương. Trước mắt chúng ta là hình ảnh một cô gái cô độc bên song cửa sổ với tập giấy nhỏ, nàng đang thổn thức khóc lóc. Câu thơ thứ hai đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc xót xa, tiếc nuối của Nguyễn Du, ông đọc tập sách mà Tiểu Thanh để lại mà lòng bộn bề suy tư, nỗi buồn thấm sang cả cảnh vật. Hai câu thơ mở đầu đã thể hiện mối đồng cảm sâu sắc giữa những con người tài hoa nhưng bạc mệnh.
Hai câu thơ tiếp theo nói lên những suy ngẫm của nhà thơ về cuộc đời, số phận của nàng Tiểu Thanh và những con người tài hoa bạc mệnh nói chung:
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư"
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
Từ một cô gái xinh đẹp, tài năng, Tiểu Thanh đã chết trong cô độc, u sầu. Nàng chết trong lúc tuổi đời còn quá trẻ, tài năng bị chôn vùi. Chính vì vậy mà Nguyễn Du đã dành sự xót thương cho nàng, đồng thời cũng bày tỏ sự xót xa cho những con người tài hoa khác như Đạm Tiên, Thúy Kiều,... Họ đều là những người tài giỏi nhưng số phận lại gặp nhiều bất hạnh.
Những người tài hoa thường bị xã hội ghẻ lạnh, họ không được coi trọng và bị vùi dập không thương tiếc. Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến:
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư"
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)
"Hận sự" là những mối căm hờn, những nỗi niềm sâu kín khó có thể tâm sự với ai. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng câu thơ để nói lên nỗi oán than, sự bất lực trước cuộc đời. Ông cảm thấy bất lực trước những ngang trái của cuộc đời, những đau khổ mà con người phải gánh chịu. Nhà thơ đã đưa ra nguyên nhân cho những bất hạnh ấy là do xã hội phong kiến đương thời quá thối nát, áp bức con người.
Nhà thơ đã thay mặt những con người tài hoa để cất lên tiếng nói, bày tỏ nỗi oan khuất của mình. Đó là sự bế tắc, không lối thoát của thời đại, của xã hội đương thời.
Hai câu cuối của bài thơ là những suy tư, trăn trở của Nguyễn Du về số phận của mình:
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Ông đã đặt câu hỏi tu từ cho thấy sự trăn trở, day dứt của ông trước thời cuộc, trước số phận của mình. Liệu sau này có ai nhớ đến ông hay không? Câu hỏi này cho thấy khát khao mong mỏi có được tấm lòng biết ơn, tri ân với người tài hoa nhưng bạc mệnh như ông.
Nguyễn Du là một nhà thơ tài năng, qua những tác phẩm của mình, ông đã vẽ lên bức tranh hiện thực về một xã hội phong kiến thối nát, nơi con người bị chà đạp, áp bức. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự trân trọng, nâng niu với những con người tài hoa nhưng bạc mệnh.