Mỗi một quốc gia, có một thứ tiếng, thứ ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp. Như ở nước ta, tiếng Việt là thứ tiếng phổ biến nhất, rộng rãi nhất. Tiếng Việt vô cùng đặc sắc và nhiều điểm hấp dẫn. Và để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một điều vô cùng khó với xã hội hiện nay.
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, quá trình hội nhập hóa, tân tiến hóa càng diễn ra mạnh mẽ, thì nhiều thách thức đặt ra cần giải quyết. Một trong số đó là vấn đề ngoại ngữ, là sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt chính là thứ tiếng của dân tộc Việt Nam ta, đó là thứ tiếng trong sáng, luôn luôn được quý trọng, giữ gìn qua bao thời gian. Tiếng Việt gắn liền với đời sống nhân dân, với mọi mặt của xã hội, nó phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh vui - buồn, đau khổ hay hạnh phúc của con người. Đó là thứ tiếng giàu đẹp và thanh lịch nhất trên thế giới. Nhưng hiện nay, thực trạng đáng buồn là sự trong sáng ấy đang dần bị mất đi, thay đổi mà không còn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó nữa.
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại ngôn ngữ mới xuất hiện, ảnh hưởng đến nền tảng tiếng Việt lâu đời của chúng ta. Đặc biệt là lớp trẻ, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cách mạng 4.0, chúng tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng từ rất sớm. Bố mẹ cho con tiếp cận với những thiết bị đó bằng những ứng dụng, trò chơi có sẵn bằng tiếng Anh. Tất nhiên các bé chưa thể hiểu hết được ý nghĩa của các từ tiếng Anh đơn thuần là thích bấm bấm vào nó thôi. Rồi khi nói chuyện với người khác, nhất là khách du lịch nước ngoài, các bé sẽ chọn tiếng Anh để giao tiếp chứ không phải tiếng Việt. Bởi các bé cảm thấy nói tiếng Anh thuận miệng hơn nhiều. Không chỉ riêng môn Ngoại ngữ, nhiều bạn trẻ còn "Việt hóa" cả những môn học khác như Toán, Lý, Hóa,... Những từ Hán Việt vốn ít được sử dụng dần rơi vào lãng quên. Thay vào đó là những từ như "thắng lợi" thành "thành công", "bất tử" thành "bá cháy", "huyền thoại" ... Thậm chí ngay cả khi nói những câu chào hỏi thông thường, các em cũng sử dụng tiếng Anh thay cho tiếng Việt. Ví dụ như thay vì chúc người lớn tuổi "mạnh khỏe" thì lại nói "healthy okay". Ngay cả phụ huynh của các em cũng không có phản ứng gì với những điều này. Cứ như vậy, sử dụng tiếng nước ngoài đã trở thành thói quen, ăn vào tiềm thức của những đứa trẻ.
Việc sử dụng tiếng nước ngoài quá nhiều khi nói và viết tiếng Việt đang khiến cho nét trong sáng của tiếng Việt bị mất đi. Người nghe, người đọc sẽ cảm thấy khó chịu khi cứ mở radio lên là nghe toàn những "bợn bợn", "đỉnh khỏi bàn", "xinh xỉu"... Popping là gì, sexy dance là gì, bánh bèo là gì, soái ca là gì,... tràn lan trên mạng xã hội. Hay ngay cả khi nói chuyện với cha mẹ, bạn bè, các em cũng cố gắng nhét thật nhiều thuật ngữ vào cho thấy mình sành điệu, mình là người duy nhất biết cái từ này. Chẳng mảy may suy nghĩ rằng bố mẹ có hiểu được mình nói gì không, bạn bè có cảm thấy khó chịu khi mình nói như vậy không.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có học sinh - những người thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp xã hội, trong học tập, nghiên cứu. Công nghệ càng phát triển, hội nhập càng sâu rộng vào châu lục, thế giới thì việc giao thoa, hòa trộn giữa các nền văn hóa là điều tất yếu. Kèm theo đó, ngôn ngữ cũng sẽ có sự pha trộn. Tuy nhiên, tiếng Việt của người Việt nói với nhau thì nhất thiết phải là tiếng Việt trọn vẹn, phải trọn vẹn cả về ý nghĩa và âm điệu. Nói năng gãy gọn, dễ hiểu, tránh nói những từ khó hiểu, hoặc những từ mà đối phương không thể hiểu được. Tránh sử dụng tiếng lóng khi nói chuyện với người lớn tuổi, nói chuyện với những người ở vùng miền khác. Bản thân em là học sinh, khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô, người lớn đều nói tiếng Việt trọn vẹn. Khi tiếp xúc với những loại ngôn ngữ khác, nếu gặp từ nào không hiểu, hoặc không biết cách sử dụng, đều tra google hoặc nhờ sự trợ giúp của thầy cô, bạn bè. Tích cực đọc sách, viết lách để trau dồi vốn từ cũng như sự trong sáng của tiếng Việt.
Mỗi công dân Việt Nam đều cần có thái độ quý trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta cần có ý thức tự giác học tập và rèn luyện thường xuyên thì mới có thể sử dụng tốt ngôn ngữ mẹ đẻ.