Trong xã hội, ai cũng muốn mình trở thành một người trí thức, người có học vấn để được tôn vinh, kính trọng. Nhưng liệu họ có hiểu thế nào là học vấn, và học vấn có quê hương hay không? Bàn về vấn đề này, L.Paxto đã từng nói rằng: "Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc". Câu nói ấy đã gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm thú vị.
Vậy học vấn là gì? Học vấn là trình độ hiểu biết của người có học. Trình độ hiểu biết này được nâng cao dần dần qua từng cấp học (phổ thông, đại học, sau đại học…) và quá trình tự học kéo dài suốt cả cuộc đời. Khi nói: "Học vấn không có quê hương", L.Paxto muốn nhấn mạnh rằng tri thức của nhân loại không bị giới hạn bởi biên giới lãnh thổ của bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào; người ta có thể tự do nghiên cứu, trao đổi trên phạm vi toàn thế giới. Ai có khả năng học tập tốt, biết tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa văn hoá của nhân loại sẽ trở thành người có học vấn uyên thâm.
Tuy nhiên, khi khẳng định: "Người có học vấn phải có Tổ quốc", L.Paxto muốn lưu ý rằng con người có học vấn phải biết đem tri thức đó phục vụ nhân dân, đất nước. Mỗi người đều có một quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt tuổi thơ. Vì vậy, người có học vấn phải biết đem tri thức của mình ra để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Có thể nói, hai câu trên là mặt đối lập của một phương châm sống: vừa nêu cao tinh thần học hỏi, tiếp thu những giá trị chung của nhân loại vừa nhắc nhở mỗi người phải gắn bó với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.
Câu nói của nhà triết học L.Paxto thật sâu sắc. Nó vừa ca ngợi tinh thần ham học hỏi, vừa nhắc nhở mỗi người phải luôn hướng về Tổ quốc. Đối với một người Việt Nam, học những tinh hoa của nhân loại và đem nó áp dụng vào cuộc tái tạo đất nước càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nhờ có sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố "học vấn" và "Tổ quốc" mà con người có thể trở thành những nhân tài đích thực. Họ có thể làm rạng danh cho gia đình, quê hương, đất nước.
Trong lịch sử dân tộc ta có rất nhiều tấm gương như vậy. Mạc Đĩnh Chi vượt khó khăn học tập và trở thành Trạng nguyên. Ông còn là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo. Trần Hưng Đạo đánh tan quân Mông – Nguyên xâm lược, bảo vệ độc lập cho nước nhà. Nguyễn Trãi vừa có tài vừa có tâm, ra sức phò tá vua Lê Lợi, giúp vua dẹp yên giặc Minh, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Ở thế kỉ XX, Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields, đã làm rạng danh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là những tấm gương người Việt Nam có học vấn đã hết lòng vì Tổ quốc.
Ngày nay, chúng ta cần phải cố gắng học tập để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của cha ông. Chúng ta may mắn được sống trong một đất nước yên bình, được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển. Vậy mà vẫn còn một số ít cá nhân chưa xác định đúng đắn mục đích và phương hướng học tập. Họ chỉ chăm lo cho việc học để đem lại lợi ích cho bản thân mình mà quên đi trách nhiệm với xã hội, với đất nước. Những kẻ như vậy cần phải phê phán nghiêm khắc.
Để có thể kết hợp hài hoà giữa "học vấn" và "Tổ quốc", chúng ta cần phải nỗ lực học tập để vươn tới tri thức đỉnh cao của nhân loại đồng thời giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Việc học tập cần phải xuất phát từ tình yêu nước và ý thức xây dựng non sông đất nước ngày càng giàu đẹp. Như vậy, câu nói của L.Paxto vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.