Nguyễn Dữ là nhà văn lỗi lạc của đất nước ta trong thế kỷ 16. Vốn là học trò giỏi của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài thơ, ông còn để lại tập văn xuôi viết bằng chữ Hán, gồm có 20 truyện ghi chép những mẩu chuyện hoang đường lưu truyền trong dân gian; cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả. Đằng sau mỗi câu chuyện thần kỳ. "Truyền kì mạn lục" chứa đựng nội dung phê phán những hiện thực xã hội đương thời được nhìn dưới con mắt nhân đạo của tác giả.
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ, giống như những truyện khác, đây là câu chuyện có pha chất liêu trai nhưng lại nói lên hiện thực xã hội sâu sắc.
Câu chuyện kể về Ngô Tử Văn một người vốn khẳng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không chịu được. Truyện mở đầu bằng lời giới thiệu thẳng, ngắn gọn, trực tiếp về nhân vật Tử Văn: "Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được". Lời giới thiệu bộc lộ luôn tính cách nhân vật. Đây cũng là lời giới thiệu quen thuộc ta thường gặp trong cổ tích, thể hiện tính chất truyền thống của nhân vật. Sau lời giới thiệu là sự việc đốt đền thiêng. Theo lối viết truyện truyền kì thì đó là mâu thuẫn chính, tạo ra bước ngoặt cho câu chuyện.
Hành động đốt đền của Tử Văn thể hiện cốt cách của một kẻ sĩ. Tử Văn vốn là người đọc sách thánh hiền, chắc chắn chàng hiểu biết và kính trọng tín ngưỡng dân gian. Đền là nơi thờ cúng những người có công lao to lớn với dân với nước. Đó là miếu thờ Thần, là truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nhưng ngôi đền lại bị tên tướng giặc bại trận lừa dối chiếm giữ làm chỗ trú ngụ gây hoạ cho dân lành. Do đó Tử Văn đã suy nghĩ: "Mgày mai, tôi sẽ chuẩn bị mâm cơm, đốt hương, khấn trời rồi sẽ tới đó, trực tiếp điểm mặt hắn để cho hắn một phen nhớ đời!". Hành động của chàng là hành động của người trượng nghĩa, sẵn sàng vì việc nghĩa mà xông pha.
Trước khi đốt đền, chàng tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt. Hành động này của chàng không xuất phát từ sự mê tín dị đoan mà là hành động có chủ đích, dũng cảm vì chính nghĩa mà diệt trừ yêu ma. Do đó, không khí chung quanh vẫn bình tĩnh, sáng suốt.
Sau khi đốt đền, Tử Văn ốm nặng rồi "thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành vế phía đông". Không gian ở đây không còn là không gian thực mà là không gian ảo, không gian của cõi âm. Cuộc đàm phán của Tử Văn với hồn ma tên tướng giặc diễn ra tại cõi âm. Cảnh địa ngục lạnh lẽo, rùng rợn với quỷ sứ dữ tợn, người chết chồng chất tạo nên không khí ghê sợ. Hồn ma tên tướng giặc oan uổng cũng làm cho không khí thêm căng thẳng. Trước Diêm Vương, Tử Văn đã đấu tranh vạch tội tên tướng giặc bằng những lí lẽ cứng cỏi, bằng chứng không thể chối cãi, giọng điệu đanh thép vững vàng. Chàng đã bảo vệ lẽ phải mà bất chấp tính mạng của mình. Lời lẽ của Tử Văn như sấm sét, búa bổ vào đầu tên tướng giặc khiến hắn "sợ hãi", "khúm núm" nhận tội. Qua cuộc đối chất ở âm phủ, tác giả muốn tố cáo bọn tham quan ô lại thời xưa. Chúng là những kẻ "nhận đút lót của kẻ có tội" nên mượn uy lực của Diêm Vương để doạ nạt bắt bớ vô tội vạ những người vô tội. Nhân cách của kẻ cầm quyền bị bóp méo, biến dạng. Công lí bị che mắt, bị lợi lộc làm mờ. Diêm Vương đại diện cho triều đình phong kiến, thay mặt triều đình xét xử nhưng lại để cho kẻ gian xảo lừa dối, xử oan cho người chính trực. Điều ấy cho thấy triều đình phong kiến đã mục ruỗng, thối nát, công lí bị chà đạp, chân lí bị đảo lộn, người tốt bị hãm hại, kẻ xấu lộng hành.
Kết thúc phiên toà, Diêm Vương đã trừng trị tên tướng giặc và những tên sai nha. Tử Văn được phục hồi chức vị, hưởng trọn vinh hoa phú quý. Kết thúc có hậu ấy khẳng định chân lí vĩnh hằng: chính nghĩa sẽ chiến thắng tà ác. Người chính trực sẽ được đức Thánh Tản vi tể tướng tế độ, được vua quan trên trời dưới đất ủng hộ, trợ giúp. Chiến thắng của Tử Văn có phần góp sức của Thổ công. Từ truyện cổ dân gian, tác giả đã chắt lọc lấy hạt nhân cơ bản rồi ảo hoá, lãng mạn hoá tạo nên một hiện thực kép trong truyện. Cả hai cùng góp phần tô đậm tính chất chính nghĩa, khẳng định niềm tin vào công lí, chính nghĩa nhất định thắng gian tà.
Qua "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên", Nguyễn Dữ đã ca ngợi tinh thần khẳng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hạ cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt. Đồng thời, tác giả cũng đề cao lẽ phải, công lí sẽ thắng gian tà. Truyện còn ẩn chứa thái độ của tác giả đối với bọn xâm lược và bè lũ bán nước cầu vinh.