Ngôn ngữ là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp con người giao tiếp và truyền đạt thông tin. Mỗi quốc gia có một thứ tiếng khác nhau, nhờ có tiếng nói mà chúng ta được bồi đắp thêm vốn hiểu biết về quê hương, đất nước mình và cả các vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Thế nhưng hiện nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, tiếng mẹ đẻ đứng trước nguy cơ bị mai một và mất dần đi sự trong sáng vốn có của nó. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn cho mỗi thế hệ, nhất là giới trẻ, những người tiên phong trong việc đổi mới nền kinh tế – xã hội của đất nước, làm sao để vẫn bắt kịp được trào lưu ngôn ngữ của thế giới mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của tiếng nói dân tộc?
Tiếng Việt là thứ tiếng vô cùng trong sáng và đa dạng. Đó là thứ tiếng có hệ thống từ vựng phong phú, có hệ thống quy tắc ghép vần, phối thanh chuẩn xác, có nguồn gốc rõ ràng… Tiếng Việt có khả năng tái hiện âm thanh của thiên nhiên, của con người một cách sinh động. Cùng với đó là sự đa dạng, phong phú về ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ khí… Tiếng Việt còn có khả năng kết hợp, đan xen, lồng ghép giữa âm với vần, chữ và thanh, vần và nhịp, từ với câu, câu với đoạn… một cách linh hoạt. Nhờ vậy mà người đọc, người nghe dễ dàng nắm bắt được những thông tin cơ bản của sự vật, sự việc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố ngoại lai. Nhiều người, nhất là giới trẻ đã lạm dụng các từ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung… chen lẫn vào câu nói, bài viết của mình một cách vô tội vạ. Trên mạng xã hội, nhiều bạn hay sử dụng teencode – viết tắt hoặc thay thế bằng một số từ tiếng Anh, tiếng Latin, khiến cho ngôn ngữ trở nên lai căng, lủng củng, khó hiểu. Trong các bài hát, nhiều ca sĩ đưa quá nhiều từ ngữ nước ngoài vào bài hát của mình gây phản cảm với khán giả. Thậm chí, nhiều người còn tự chế ra những cụm từ riêng chỉ mình họ hiểu, khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước hết, đó là do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet. Con người, nhất là giới trẻ trở thành những “nô lệ” của smartphone, của mạng xã hội. Họ dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới lạ của thế giới, nhưng lại thiếu đi sự chọn lọc, phân tích. Tiếp đến là do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa châu Á. Nhiều bạn trẻ chạy theo những thần tượng xứ Hàn, Trung mà quên đi trách nhiệm với gia đình, trường lớp. Họ học theo lối sống, cách ăn mặc, phong cách của những idol mà họ sùng bái, thậm chí biến mình thành những “bản sao” đáng thất vọng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở ý thức cá nhân của mỗi người. Họ muốn thể hiện bản thân, muốn mình khác biệt, muốn khẳng định cái tôi riêng nên đã bất chấp mọi thứ, sử dụng ngôn ngữ lai căng, tạp nham, khiến cho tiếng Việt mất đi vẻ đẹp vốn có.
Là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta nên tích cực học tập, trau dồi vốn tiếng Việt, coi nó là hành trang quý giá trên con đường tới tương lai. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè cùng chung tay bảo vệ tiếng Việt. Hãy tránh xa những ngôn ngữ lai căng, tạp nham, tôn vinh vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt.
Tiếng Việt là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có học sinh – những người thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp xã hội, trong học tập, nghiên cứu. Công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đòi hỏi phải có sự nỗ lực trên nhiều phương diện và từ nhiều đối tượng. Trước hết, cần tôn trọng tiếng nói, ý thức được tầm quan trọng của việc phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Luôn dùng tiếng Việt để giao tiếp ở ngoài cuộc sống, trừ những trường hợp bất khả kháng. Tích cực bồi dưỡng, trau dồi vốn tiếng Việt hàng ngày. Trong
tất cả các môn học, cần chú ý bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ trong ý nghĩ, tránh cách nói thô tục, kệch cỡm, dùng từ không đúng ngữ cảnh, sai chính tả,…