Tri thức là kho tàng vô tận, là biển cả mênh mông mà ta có dành hết cuộc đời cũng không khám phá, tìm tòi hết được. Nó bao gồm tất cả những sản phẩm của nhân loại, của toàn nhân loại. Nó được lưu trữ dưới dạng sách vở, công trình lớn về khoa học kĩ thuật, được truyền miệng hay được tạo hình bằng các đồ vật, bức tranh,… Tri thức có mặt trong mọi sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta, chỉ cần ta biết khai thác và tìm tòi. Và muốn làm được điều ấy thì phải nói đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học – bậc học cung cấp nền tảng tri thức cơ bản cho mỗi con người. Thế nhưng, thật đáng buồn khi một bộ phận giới trẻ ngày nay đã không còn coi trọng việc học nữa. Điều này đã gióng lên một hồi chuông báo động về thực trạng đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay.
Hiện nay, khi xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kéo theo những nhu cầu mới nảy sinh cần được giải quyết. Đó là việc lớp trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí; thờ ơ, chán nản việc học tập; bỏ bê việc học để lao vào những thú vui vô bổ như chơi game online, lướt web, lướt facebook hàng giờ, hàng ngày; sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội,…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước tiên phải kể đến nguyên nhân chủ quan, đó là do chính bản thân người học sinh chưa nhận ra được tầm quan trọng của tri thức, không có mục đích, động cơ học tập. Do lười biếng, không muốn tiếp thu tri thức mà chỉ muốn hưởng thụ. Bị bạn bè, người lạ lôi kéo, rủ rê làm theo. Chưa có sự quan tâm, ủng hộ, chia sẻ, thấu hiểu của gia đình. Áp lực từ phía cha mẹ khiến con cái cảm thấy học không còn là niềm vui. Bên cạnh đó còn do nhiều yếu tố khác như môi trường xung quanh tác động,…
Từ xưa đến nay, việc học vẫn luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Nó là điều kiện tiên quyết quyết định đến sự thành bại của chúng ta. Có tri thức, chúng ta mới có thể tìm kiếm cho bản thân mình một công việc ổn định, nhà cửa, tiền bạc, của cải vật chất và được mọi người tôn trọng, nghe lời, noi theo. Ngược lại, nếu không chịu học tập, mai sau trưởng thành, chúng ta sẽ chẳng có gì, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho người khác và xã hội. Vậy nên, ngay từ bây giờ, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần chăm chỉ học tập hơn, cố gắng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội.
Việc học là suốt đời, không phải là một giai đoạn hay một khoảng thời gian nhất định. Dù là người giỏi đến đâu nhưng vẫn phải tiếp tục học tập để bắt kịp với xu thế của thời đại. Chỉ có học tập con người mới có thể thoát khỏi sự ngu dốt và từng bước hoàn thiện bản thân mình hơn.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, gia đình cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, tạo điều kiện để con em mình được học tập và phát triển. Sau đó, nhà trường cần nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo môi trường học tập lành mạnh để học sinh thoải mái phát huy khả năng của mình. Cuối cùng, xã hội cần tuyên truyền, giáo dục cho mỗi người về tầm quan trọng của việc học, đồng thời có các chính sách quan tâm, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Như vậy, việc học có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người nói riêng và đối với xã hội, cộng đồng nói chung. Hãy cố gắng học tập thật tốt để tương lai của chúng ta thêm tươi sáng. Hãy để những kiến thức, bài học là kim chỉ nam cho đường đời của mỗi người. Đừng lãng phí tuổi trẻ, đừng để thanh xuân trôi qua một cách nhạt nhẽo vì việc không chịu học tập. Hãy phấn đấu hết mình để xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp.