Xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều vấn đề nảy sinh cần chúng ta quan tâm. Một trong số đó chúng ta không thể không nhắc đến đó là sự vô cảm. Nhạc sỹ Quốc Trung đã nêu ra một ý kiến rất hay khi ông phát biểu về vụ việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng khoe hàng hiệu: “Tôi chẳng thấy có gì đáng phê phán. Tôi cũng mong có nhiều người Việt Nam như anh ấy, dù mơ hồ, để tiêu dùng hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước". Tuy nhiên, nhạc sỹ này cũng đặt ra một vấn đề lớn của xã hội: "Vấn nạn lớn nhất của xã hội Việt Nam lại là sự vô cảm và thiếu trách nhiệm. Nó ảnh hưởng và nguy hại hơn nhiều so với việc tiêu thụ hàng hóa".
Qua câu nói của mình, nhạc sỹ Quốc Trung muốn đề cập đến một vấn đề lớn của xã hội đó là sự vô cảm. Vậy vô cảm là gì? Vô cảm chính là thái độ thờ ơ, không có xúc cảm trước những gì diễn ra xung quanh mình, kể cả trước những đau khổ, bất hạnh của những người xung quanh. Đây là thái độ, là cách sống đáng phê phán bởi nó đi ngược lại với truyền thống, đạo lý tốt đẹp về tình yêu thương, sự sẻ chia của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Vô cảm vốn chỉ là một trạng thái tâm lý, nhưng giờ đây nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha ăn sâu vào tâm hồn con người.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm, trong đó có nguyên nhân từ sự phát triển của xã hội. Khi đời sống ngày càng được nâng cao, con người bận rộn với việc làm giàu, họ ít quan tâm đến nhau hơn. Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thú vui cho riêng mình, đắm chìm trong thế giới riêng của mình mà quên đi mọi thứ xung quanh. Những cám dỗ của cuộc sống cũng khiến cho con người ta bị cuốn theo những giá trị vật chất mà quên đi việc bồi đắp cho tâm hồn. Chính vì thế, họ trở nên vô cảm với cuộc đời, vô cảm với cộng đồng. Bên cạnh đó, sự ích kỷ cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên căn bệnh vô cảm. Con người ta chỉ quan tâm đến bản thân mà không hề quan tâm đến những người xung quanh. Vì vậy, họ sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện, mặc kệ mọi thứ xung quanh mình.
Sự vô cảm có thể sẽ gây nên những hậu quả to lớn cho cộng đồng, xã hội. Bệnh vô cảm làm mất đi tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia giữa con người với nhau. Nếu như trước kia, khi mạng internet chưa phát triển, gia đình, người thân là thế giới của mỗi người thì giờ đây, thế giới đó đã thu nhỏ lại bằng mạng xã hội. Nhiều người đã chìm đắm trong thế giới ảo và quên đi cuộc sống thực tại. Đã có không ít những trường hợp lơ đễnh, quên mất mình là ai khi lạc bước vào thế giới ảo. Cũng có những người vô cảm vì trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc sống, họ trở nên chai sạn và mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng cũng có những người trở nên vô cảm vì lợi ích, họ vô cảm để đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn như những nhà kinh doanh bất chấp phẩm chất, đạo đức để làm ra những mặt hàng tiêu dùng gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, song song với đó là kiếm được rất nhiều tiền. Hay một số y, bác sĩ vô cảm đến mức có thể xuống tay với chính bệnh nhân của mình… Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ khác nữa về sự vô cảm đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống mà chúng ta khó có thể lường hết được.
Để khắc phục sự vô cảm, mỗi cá nhân cần tự rèn luyện cho mình lối sống lành mạnh, quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh; thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội với tấm lòng chân thành. Gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm, giáo dục con em mình cách làm chủ bản thân, biết kiềm chế trước mọi hoàn cảnh, biết mở lòng ra với cuộc sống. Có như vậy, chúng ta mới có thể đẩy lùi được căn bệnh vô cảm, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và xã hội phát triển bền vững hơn.