Mỗi dịp tết đến xuân về, trên bàn thờ của mỗi gia đình đều có mâm cỗ tất niên. Và không thể thiếu món ăn đậm đà bản sắc dân tộc đó là bánh chưng xanh.
Bánh chưng từ lâu đã là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Tương truyền rằng vào đời vua Hùng Vương thứ sáu, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, nhà vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, vua Hùng họp các hoàng tử lại và yêu cầu họ đem dâng lên thứ mà họ cho là quý nhất để cúng lên bàn thờ tổ tiên nhân ngày đầu xuân. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hi vọng mình được vua cha truyền ngôi. Trong khi đó, người con trai thứ mười tám của Hùng Vương là Lang Liêu có tính tình hiền hậu, sống gần gũi với người nông dân lao động nghèo khổ nên chàng lo lắng không có gì quý giá để dâng lên vua cha. Một hôm, Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến chỉ bảo cho cách làm một loại bánh từ lúa gạo và những thức có sẵn gần gũi với đời sống hàng ngày. Tỉnh dậy, chàng vô cùng mừng rỡ làm theo cách chỉ bảo của Thần. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem những thứ sơn hào hải vị đến, còn Lang Liêu chỉ có hai loại bánh như lời Thần dặn. Vua Hùng lấy làm lạ bèn hỏi, chàng đem chuyện Thần báo mộng kể lại cho vua cha nghe. Vua cha nếm thử, thấy ngon, khen có ý nghĩa, bèn đặt tên cho bánh là bánh chưng và bánh giày, rồi truyền ngôi lại cho chàng.
Từ đó, cứ đến ngày Tết mỗi năm, người dân Việt Nam lại có tục gói bánh chưng để dâng cúng tổ tiên, trời đất. Nguyên liệu để làm bánh rất đơn giản và dễ chuẩn bị; chỉ cần 4 nguyên liệu chính: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, quy trình sơ chế nguyên liệu hơi phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm bánh. Gạo nếp mua về mang đi ngâm nước khoảng vài tiếng cho mềm, vớt ra để ráo rồi trộn thêm chút muối. Đậu xanh làm dập vỏ, nhặt bỏ những hạt sâu, hỏng rồi ngâm trong nước ấm cho nở mềm. Thịt lợn đem rửa sạch, thái miếng to, ướp gia vị cho ngấm. Lá dong chọn lá xanh non, lành lặn về rửa từng chiếc lá với nước, lau khô.
Khi đã sơ chế xong các nguyên liệu, chúng ta tiến hành gói bánh. Đầu tiên là xếp lá dong xung quanh khuôn vuông vắn để tạo hình cho cái bánh. Sau đó trải đều gạo nếp xuống đáy khuôn, tiếp theo là lớp đỗ xanh, thịt lợn và cuối cùng lại phủ một lớp đỗ xanh và gạo nếp. Sau cùng, chúng ta dùng tay kéo bốn góc lá dong lại sao cho bọc kín hết bánh và lạt giang được buộc chặt vào. Quá trình gói bánh tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận của người gói. Bởi nếu ít gạo, nhiều đỗ hoặc ngược lại thì sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và hương vị của bánh.
Sau khi gói xong, chúng ta bắt đầu công đoạn luộc bánh. Xếp từng chiếc bánh chồng lên nhau vào trong nồi thật cẩn thận rồi đổ nước vào luộc. Cứ một kg gạo thì người ta đổ khoảng 2 lít nước và luộc trong vòng từ 8 - 10 tiếng. Khi nước sôi, người luộc bánh phải thường xuyên chăm chú hạ lửa xuống để bánh chín đều và chắc. Ngoài ra, trong quá trình luộc, cần thường xuyên kiểm tra xem nước trong nồi còn nhiều hay không. Nếu nước cạn thì phải nhanh chóng đổ thêm nước vào để bánh không bị cháy.
Cuối cùng, khi bánh đã chín, vớt bánh ra rửa qua nước sạch rồi xếp bánh lên ghế cao cho nhanh nguội. Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong cách làm bánh chưng rồi!
Bên cạnh ý nghĩa về mặt ẩm thực, bánh chưng còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa khác. Về mặt hình thức, bánh được gói vuông vắn tượng trưng cho trời. Còn lá rong và thịt lợn tượng trưng cho đất và con người. Lúc dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên, hình dạng và các thức của bánh chưng mang ý nghĩa để biểu thị cũng như tái hiện lại sự tường tồn của đất trời và cuộc sống no đủ của con người.
Không chỉ vậy, bánh chưng còn ẩn chứa triết lý nhân sinh sâu sắc. Con người luôn là trung tâm của đất trời, vì vậy, trong bánh chưng, nhân đậu xanh chính là biểu tượng của con người. Nhờ có nhân này mà bánh chưng trở nên ngọt ngào và thơm lừng hơn. Từ đó, câu chuyện về bánh chưng cũng muốn nhắn nhủ chúng ta rằng: con người là trung tâm của vạn vật, nhờ có con người mà cuộc sống này trở nên tươi đẹp và đáng quý hơn.
Tóm lại, bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và tốt đẹp. Dù xã hội có phát triển, con người có trải nghiệm nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau thì bánh chưng vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt.