Trăng vốn là người bạn tâm tình, tri kỉ của thi nhân. Dưới đôi mắt lãng mạn và tình yêu thiên nhiên tha thiết, ánh trăng hay bất cứ sự vật nào cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận với các nhà thơ. Chúng ta đã từng gặp ánh trăng nhớ về miền quê trong thơ Lý Bạch, hay vầng trăng ước hẹn, thề nguyền trong Truyện Kiều của Nguyễn Du . Còn trong tác phẩm "Ngắm trăng" của Hồ Chí Minh, ánh trăng không chỉ đơn thuần là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp mà nó còn thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng gian khổ.
Bài thơ mở đầu bằng hoàn cảnh rất đặc thù của nhà thơ:
"Trong tù không rượu cũng không hoa".
Câu thơ gợi ra trước mắt người đọc là cái khắc nghiệt của hoàn cảnh, sự thiếu thốn của vật chất. Không rượu, không hoa trở thành hình ảnh gắn liền với những cuộc thưởng trăng thông thường. Nhưng dường như không có những thứ ấy thì người ngục tưởng như sẽ không còn thú vui, bác lại đặt nhân vật trữ tình vào hoàn cảnh "trong tù", càng tăng thêm độ khó của hoàn cảnh. Làm sao mà thưởng trăng được khi đang bị giam cầm như thế này? Ấy vậy mà, vượt lên trên tất cả, câu thơ tiếp theo là cách giải quyết đầy bất ngờ, độc đáo:
"Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ".
Trước khung cảnh đêm trăng tuyệt diệu, làm sao mà bác hững hờ được. Cảnh đẹp ấy khiến lòng người xao xuyến, khiến con người không thể thờ ơ. Chính cái nhìn của bác đã nâng cao tinh thần, làm cho bác quên đi cái khó khăn, cực khổ nơi chốn ngục tù. Và Bác đã tham gia vào bữa tiệc ngoài trời cùng chị Hằng:
"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ".
Đọc câu thơ ta thấy ánh trăng như có hồn, trăng dõi theo bước chân người lính, trăng thắp sáng đêm tối mịt mùng, trăng xua tan đi cô đơn, lạnh lẽo và mang lại hơi ấm tình người. Người xưa thường ngắm trăng trên những lầu vọng nguyệt, những đêm trăng thanh tĩnh để thưởng ngoạn vẻ đẹp của trăng. Còn Bác Hồ của chúng ta lại ngắm trăng trong hoàn cảnh rất đặc biệt, Người là một tù nhân, bị giam hãm trong nhà tù, nơi mà tưởng chừng như chỉ có đọa đày, lao lực và khốn khổ. Người ngắm trăng trong hoàn cảnh tay chân bị cùm trói, đau buốt, trong bốn bức tường lạnh lẽo. Tuy thiếu thốn mọi tiện nghi nhưng Bác vẫn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời. Bác quên đi sự thiếu thốn về vật chất, tâm hồn Bác vẫn hướng về tự do, hướng về ánh sáng. Ánh trăng là biểu tượng cho sự tự do, tươi đẹp, Bác say đắm ngắm nhìn ánh trăng, như say đắm tự do, cái đẹp và cuộc sống tươi đẹp ngoài kia.
Tác phẩm khép lại ở ánh trăng sáng, ở sự hòa hợp giữa người và cảnh, giữa cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn con người với khí tiết trong sáng, cao đẹp. Bằng những ngôn từ giản dị, giọng thơ nhẹ nhàng, nghệ thuật đăng đối hài hòa, Bác đã vẽ nên một bức tranh thưởng trăng thật đẹp và ý nghĩa. Qua đó, ta thấy được một tâm hồn thi sĩ đa sầu đa cảm, một phong thái ung dung tự tại trước mọi hoàn cảnh.
Như vậy, qua bài thơ, em hiểu rằng dù trong hoàn cảnh nào, Bác vẫn luôn dành thời gian cho thiên nhiên để hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên. Đồng thời, em học được từ Bác tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin vào tương lai tươi sáng. Mỗi người cần học tập tinh thần lạc quan của Bác để không ngừng hy vọng, không ngừng tiến về phía trước.