Người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào thơ ca đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các nhà thơ, nhà văn. Tiêu biểu nhất có lẽ phải kể đến Phạm Tiến Duật với tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay Lâm Thị Mĩ Dạ với tác phẩm Khoảng trời hố bom . Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Nổi bật lên trong truyện ngắn này là nhân vật Phương Định, một cô thanh niên xung phong trong sáng, ngoan cường và cũng rất xinh đẹp.
Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên một cao điểm bắn phá ác liệt nhất của máy bay địch trên tuyến đường Trường Sơn. Công việc của chị là phải chạy trên cao điểm đánh phá bom mìn, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Đó là công việc mạo hiểm luôn phải đối đầu với cái chết, luôn căng thẳng và đòi hỏi tinh thần dũng cảm. Nhưng với chị và đồng đội của mình, tất cả đã quá quen thuộc và bình thường.
Giữa chốn rừng núi mênh mông hoang vu, nơi mà sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, đã xuất hiện những "nữ thanh niên xung phong" với "tâm hồn tràn đầy bản lĩnh, nghị lực, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cho non sông, đất nước". Họ chính là biểu tượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong hoàn cảnh khốc liệt và gian khổ của chiến tranh, ta vẫn thấy được những nét riêng của ba cô gái. Là một cô gái Hà Nội vào chiến trường khói lửa, Phương Định mang theo vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ của người con gái Thủ đô. Chị luôn dành tình cảm nhớ nhung về quê hương, gia đình, về những kỉ niệm tuổi thơ. Chị nhớ về mẹ, nhớ về căn phòng nhỏ bên quảng trường với những tiếng rao của người bán kem, nhớ về những kỷ niệm êm đềm bên mẹ... Nó vừa là niềm khao khát vừa là dòng nước mát làm dịu tâm hồn trong hoàn cảnh chiến đấu đầy khốc liệt.
Không chỉ vậy, ở Phương Định còn toát lên vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí keo sơn, thắm thiết. Chị luôn yêu thương, quan tâm những người đồng đội của mình. Chị lo lắng cho chị Thao lên cao điểm chưa về tới nỗi "nói như gắt vào máy" khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Chị thấu hiểu tính cách và tâm trạng của chị Thao, hiểu vì sao chị ấy lại bình tĩnh đến lạnh lùng trước nhiệm vụ phá bom nguy hiểm. Chị còn dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Đặc biệt, chị còn dành tình yêu thương chân thành và sâu sắc cho những người đồng đội của mình, thậm chí với cả những người mới gặp gỡ, với những anh bộ đội cô gặp trên đường ra mặt trận. Tình cảm ấy thật nồng ấm và làm giảm bớt những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống gian khổ của người lính.
Có thể nói, Phương Định là một cô gái trẻ đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đã cống hiến tuổi xuân, sức trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.