Apple_Wp8FrA7eSnTPF6pKhyHSMKSPZPo1 Tương truyền, Nữ tướng Lê Chân quê ở trang An Biên, thuộc huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Ngày nay nơi đây đã trở thành xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, được sự ảnh hưởng từ người cha là Lê Đạo - một lương y đức độ, giàu lòng yêu nước, thương dân nghèo có tiếng trong vùng nên từ tấm bé, Lê Chân đã thể hiện là một người con gái hiền thục, hiếu thảo, có lòng thương người và thích làm việc nghĩa. Điều khá đặc biệt ở cô thôn nữ xinh đẹp này là không chỉ chăm ngoan, có lòng nhân nghĩa, mà còn say mê luyện tập binh đao. Mười tám tuổi, Lê Chân đã nổi danh khắp vùng về nhan sắc, đức hạnh và tài võ nghệ.
Thái thú Tô Định nghe danh tài sắc của bà thì đòi lấy làm tỳ thiếp. Thế nhưng, ông bà Lê Đạo một mực từ chối, sau đó cả nhà đã lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương. Thái thú Tô Định tức giận vì không lấy được Lê Chân đã ra tay hãm hại cha bà. Nợ nước, thù nhà, quyết chí phục thù, Bà đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới. Vùng đất An Dương bấy giờ là một bãi phù sa mới bồi, cây cối lưa thưa với mấy túp lều tranh dựng tạm của dân chài. Nhớ về cội nguồn, Bà đã lấy tên làng quê cũ mình từng sinh sống là An Biên đặt cho quê hương mới. Tại đây, Lê Chân đã lập ra đội dân binh gồm đủ cả nam lẫn nữ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho dân làng, đội dân binh An Biên còn chủ động tổ chức những trận tấn công rất bất ngờ vào lực lượng quân đô hộ khiến Tô Định rất tức tối và lúng túng trong kế sách đối phó.
Với lòng căm thù giặc, bà lập trại ấp, chiêu mộ dân xây dựng vùng biển có vị trí quan trọng này làm căn cứ và cũng là nơi sản xuất lúa gạo, cá, mắm, muối làm hậu cần sau này. Vì thế, khi cư dân đông đúc bà đã luyện quân, đóng thuyền, sản xuất vũ khí. Trại An Biên có nhiều ngòi lạch, sú vẹt mọc thành rừng là cửa ngõ qua Biển Đông nên bà quan tâm luyện thủy binh. Những thuyền do bà cho thợ đóng, thời bình thì đánh bắt cá, thời chiến thì trở thành thuyền chiến. Dưới sự chỉ huy của bà, "quân sĩ thường xuyên luyện tập cách hành quân gọn nhẹ, nhanh nhạy; cách đánh thành chớp nhoáng, táo bạo; đặc biệt là thuần thục cách đánh địch dưới nước vốn là sở trường của dân vùng biển". Lực lượng của Lê Chân không ngừng lớn mạnh nhanh chóng và trở thành một trong những đội nghĩa binh hùng mạnh của cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra sau đó không lâu.
Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất ven sông Cấm ở đầu nguồn, còn trang An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) là do nhóm ngư dân từ trang Yên Biên, tổng Vĩnh Đại, huyện Đông Triều, thừa tuyên Nam Sách di cư về vùng đất này vào cuối thời Lê sơ đầu thời Mạc lập ra.