Ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam. Có rất nhiều bài báo nêu lên tình trạng ô nhiễm, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Nhưng dù đã triển khai quyết liệt chiến dịch chống ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua, tình trạng này vẫn ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là vì người dân chưa ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra phổ biến. Sau đây sẽ là một vài gợi ý làm văn cho đề bài trên.
Xả rác bừa bãi là thói quen từ lâu của nhiều người. Hiện tượng này có cả trong trường học, nhiều học sinh sau khi ăn quà không để rác vào sọt mà vứt lung tung trên sàn lớp, sân trường. Nhiều túi ni lông, giấy thải bay tứ tung nhìn rất bẩn và khó chịu. Ở một số gia đình, khi có khách đến chơi, dù chỗ họ ngồi sạch sẽ nhưng vẫn có những bà “tính hay lo”, nhặt từng cọng rác rồi tiện tay thả xuống sàn nhà hay các góc khuất. Trên đường phố, sau những dịp lễ tết hay hội chợ, các quầy hàng bày bán sản phẩm vương vãi kẹo, bánh, thuốc lá… Khách tham quan, người mua hàng vô tư nhặt ném vỏ kẹo ngay tại chỗ vừa đứng. Thậm chí, đi dự đám cưới, dù bàn tiệc được trải khăn trắng nhưng khi đứng dậy ra về, dưới chân họ vẫn còn lại mẩu thuốc lá cháy dở.
Ở nông thôn, tình trạng xả rác bừa bãi cũng đáng chê trách. Trên đồng ruộng, nông dân tiện tay vứt bao bì thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ ngay giữa ruộng dù đống rác ấy chỉ cách bãi rác được quy hoạch vài bước chân. Bên cạnh bãi biển, sau những buổi liên hoan, bữa tiệc, du khách để lại một “chiến trường” rác, vỏ lon, chai nước…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng xả rác bừa bãi. Khách quan, ta thấy hệ thống thùng rác chưa được đầu tư ở nhiều nơi, đặc biệt vùng nông thôn, khiến người dân không tiện bỏ rác đúng chỗ. Tuy nhiên, lí do chủ quan mới là căn nguyên sâu xa: ý thức của người dân quá kém, họ chỉ biết lợi ích cá nhân, không coi trọng sự sạch sẽ của những nơi công cộng.
Một góc tường loang lổ quảng cáo, một con đường nhếch nhác rác rưởi, một góc vườn rêu phong giấy dán tường… đều là “công trình” của những kẻ vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cuộc sống. Xã hội ngày càng văn minh hiện đại, mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với tri thức, được học tập nên càng phải ý thức việc bảo vệ môi trường bởi một phần đóng góp vào sự nghèo nàn, lạc hậu, ô nhiễm môi trường chính là lối sống, lối hành xử của từng cá nhân.
Hành động xả rác bừa bãi gây ra những hậu quả khôn lường. Trước tiên nó làm xấu cảnh quan thiên nhiên gây mất mĩ quan đường phố. Bên cạnh đó, nó gây ô nhiễm môi trường: vứt rác ra sông hồ làm ô nhiễm nguồn nước, chôn rác không phân hủy làm ô nhiễm đất, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tầm nhìn. Gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống sinh vật. Rác không được xử lí đúng đắn còn gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đặc biệt ngành du lịch và thủ công nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi, đồng thời lên án, phê phán những người có hành vi thiếu văn hóa. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm. Tích cực trồng cây xanh, phủ đồi trọc giữa môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
Như vậy, vứt rác bừa bãi là hành vi thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người – Nâng cao văn minh tiến bộ của xã hội. Là hành vi phản văn hóa cần lên án và loại bỏ. Mỗi người chúng ta cần có ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi ra đường phố, nơi công cộng. Hãy có những hành động thiết thực bắt đầu bằng việc nhỏ nhất như: không vứt rác bừa bãi, tuyên truyền người thân, bạn bè không vứt rác bừa bãi… để góp phần xây dựng một môi trường sống trong lành, sạch đẹp.