Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng. Chính điều này đã giúp Nguyễn Du có điều kiện học tập tốt và tiếp xúc với nhiều vùng văn hóa khác nhau trên đất nước. Gia đình giàu truyền thống yêu nước và nhiệt huyết với văn chương nghệ thuật.
Cuộc đời của Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII - XIX. Đây cũng là thời kì lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống. Nguyễn Du đã phải sống phiêu bạt nhiều năm ở đất Bắc (1786-1796) rồi sau đó về ở ẩn ở Hà Tĩnh (1796-1802). Năm 1802, ông ra làm quan cho nhà Nguyễn. Năm 1813, ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Năm 1820, ông lại được cử đi lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn ông mất đột ngột trong một trận dịch lớn.
Sáng tác của Nguyễn Du được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm những nhóm chính như sau:
Thơ chữ Hán: gồm 3 tập thơ là Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, tổng cộng 250 bài.
Thơ chữ Nôm: gồm có "Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu" còn có tên gọi khác là "Văn tế sống Trương Quỳnh Hương" và Đoạn trường tân thanh còn gọi là Truyện Kiều.
Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Du, dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đời Thanh ở Trung Quốc. Tác phẩm có lẽ được viết vào khoảng thời gian sau khi ông đi sứ về (1814) cho đến trước khi vua Minh Mạng mời ông ra làm quan (1820).
Bằng Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa ngôn ngữ văn học dân tộc lên một tầm cao mới, với một hình thái ngôn ngữ văn học vừa bình dị, gần gũi với quần chúng, vừa tinh tế, trang nhã, đẹp đẽ và giàu khả năng biểu hiện.
Nội dung phản ánh hiện thực sâu sắc: Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo; là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người; khẳng định tài năng, đức hạnh và khát vọng chân chính của con người.
Về giá trị nghệ thuật: Truyện Kiều là một kiệt tác nghệ thuật, với bút pháp của một nghệ sĩ thiên tài, tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt đến độ giàu và đẹp.
Với những giá trị ấy, Truyện Kiều của Nguyễn Du xứng đáng trở thành kiệt tác văn học hàng đầu của văn học Việt Nam. Nó đã được lưu truyền rộng rãi ở trong và ngoài nước, được đánh giá cao trên thế giới. Nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam đã coi Truyện Kiều là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận.
Ngoài ra, Nguyễn Du còn có các tác phẩm như Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn) được viết bằng chữ Nôm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu. Với cảm quan hiện thực và lòng cảm thương sâu sắc với những kiếp người lầm than, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh sinh động về một xã hội loạn lạc, hỗn loạn những cũng rất chân thực, gần gũi.
Nhìn chung, sáng tác của Nguyễn Du đều thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đề cao giá trị nhân văn của con người. Đó là tiếng nói thương cảm cho số phận những con người nhỏ bé, bất hạnh, đặc biệt là phụ nữ; là sự trân trọng, đề cao những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người; lên án, tố cáo những thế lực xấu xa trong xã hội cũ. Đồng thời, sáng tác của ông cũng bộc lộ nỗi niềm ưu tư, day dứt về tương lai của đất nước, về số phận của nhân dân.
Nghệ thuật trong các sáng tác của Nguyễn Du rất điêu luyện, tinh tế, đạt tới trình độ kinh điển. Đặc biệt, Nguyễn Du đã vận dụng thành công thể thơ lục bát - một thể thơ cổ truyền của dân tộc, phát huy được tất cả sức mạnh của nó.
Có thể thấy, Nguyễn Du là một nhà văn, nhà thơ vĩ đại của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một kho tàng văn học đồ sộ với nhiều tác phẩm có giá trị. Không chỉ vậy, ông còn là một tấm gương sáng ngời về nhân cách của một nghệ sĩ lớn.