Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, các quốc gia đang nỗ lực mở cửa, tăng cường giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó không chỉ khẳng định vị thế quốc gia mà còn ảnh hưởng đến khả năng chống chọi trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Như GS.TS Từ Thị Loan đã từng nhấn mạnh: "Bản sắc văn hóa góp phần tạo dựng bản lĩnh, nội lực, giúp chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hoá."
Vậy bản sắc văn hóa là gì? Đó là tổng hợp tất cả những giá trị vật chất và tinh thần cốt lõi nhất của mỗi quốc gia, dân tộc. Nó được hình thành và chọn lọc qua suốt quá trình dựng nước và giữ nước, phản ánh tâm tư, tình cảm, nhận thức, ước mơ, khát vọng… của tầng lớp cư dân nhất định.
Từ khái niệm trên, ta có thể thấy rằng bản sắc văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống. Điều này thể hiện qua rất nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn như các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc độc đáo,… đều là vật mang bản sắc văn hóa. Các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán lâu đời cũng vậy. Hoặc ngay cả trang phục, ẩm thực, lối sống, cách ứng xử,… của con người cũng chứa đựng ít nhiều dấu ấn riêng biệt. Tất cả những yếu tố ấy góp phần tạo nên diện mạo đa dạng, phong phú cho nhân loại.
Nhờ có bản sắc văn hóa, mỗi quốc gia sẽ được biết đến với những nét đặc trưng riêng, không trộn lẫn với bất kỳ vùng đất nào. Tiếp thu văn hóa nước ngoài là điều cần thiết nhưng tuyệt đối không để bị đồng hóa. Đó chính là cách mà chúng ta “hòa nhập chứ không hòa tan”.
Tuy nhiên, muốn xác định rõ bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì người trẻ tuổi phải có thái độ đúng đắn khi tiếp thu nền văn hóa mới. Hiện nay, giới trẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ Internet, mạng xã hội hay các chương trình truyền hình quốc tế. Đây vừa là mặt tích cực, vừa là mặt tiêu cực của việc mở cửa giao lưu văn hóa. Mặt tích cực dễ thấy nhất là sự thay đổi về cách tiếp cận tri thức, tốc độ nắm bắt xu hướng thời trang, âm nhạc, điện ảnh,.. nhanh chóng. Còn mặt tiêu cực thể hiện qua lối sống buông thả, đua đòi, a dua theo cái xấu. Những hành vi như ăn mặc hở bạo, sống thử, nghiện game, nghiện Facebook,… ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Đáng ngại hơn là họ xem đó là “hiện đại”, là “nền văn hóa” đáng tự hào.
Nếu không sớm nhận thức được điều này thì thế hệ trẻ sẽ đánh mất dần bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, mỗi học sinh cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và nâng tầm bản sắc quê hương. Chúng ta phải chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức, giữ gìn những nét đẹp vốn có. Đồng thời, tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp quê hương, đất nước. Có thể kể đến như dọn dẹp khu di tích lịch sử, tham gia tổ chức lễ hội truyền thống, hướng dẫn viên du lịch miễn phí,…
Như vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là vô cùng quan trọng. Mỗi cá nhân cần nhận thức rõ ràng về điều này và có hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của đất nước.