Ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn nạn ở Việt Nam. Có rất nhiều bài báo, bản tin phản ánh sự độc hại của môi trường đối với con người. Nào là lượng khí thải vượt mức cho phép, nào là chất thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt quá lớn mà không xử lí triệt để được dẫn đến quá tải. Rồi là tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, ra những nơi công cộng rất mất mĩ quan. Và đó cũng là hiện tượng đáng nói trong chúng ta ngày hôm nay.
Vứt rác bừa bãi là một hành động xấu, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và đời sống con người. Tuy nhiên, hiện nay, việc này vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi, trên khắp các ngóc ngách. Ở đâu ta cũng bắt gặp rác: trên đường phố, trên vỉa hè hay cả trên mặt hồ công cộng. Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây... đâu đâu ta cũng bắt gặp những túi nilon, những vỏ hoa quả bị vứt lung tung. Hay như công viên, một nơi công cộng, nơi vui chơi giải trí của mọi người, tưởng chừng như phải sạch sẽ nhất nhưng thực tế lại không phải vậy. Những vỏ bánh kẹo, giấy rác, vỏ hoa quả... được vứt bừa bãi trên mặt đất, ngay cả gần những chiếc thùng rác. Rồi cả trên đường phố, nơi các em nhỏ đùa nghịch, ăn kem, que kem xong không biết vứt vào đâu, vứt ra đường... khiến cho đường phố bẩn thỉu, mất mĩ quan. Tình trạng này còn diễn ra ở nông thôn, một nơi thanh bình, yên tĩnh. Người ta cứ nghĩ rằng, không có khói bụi, ô nhiễm không khí, sông ngòi tràn lan rác thải, xả nước thải bừa bãi thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng thực tế không phải vậy, nông thôn bây giờ đã xuất hiện nhiều vấn đề tương tự như đô thị.
Vậy nguyên nhân của hành động thiếu văn hóa này xuất phát từ đâu? Khách quan, có thể thấy việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân của các cấp chính quyền chưa thực sự cao. Các qui định xử phạt lại chưa thật nghiêm khắc, cho nên nhiều người vẫn cứ thản nhiên đổ rác mọi nơi, mọi lúc. Chủ quan, do ý thức của con người chưa cao. Họ sống ích kỉ, nhỏ hẹp, chỉ biết đến bản thân mình mà không quan tâm đến lợi ích chung. Cho nên, họ mới vứt rác bừa bãi, chỉ lo "sạch nhà mình".
Có thể thấy, hành động vứt rác bừa bãi gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Trước hết, nó làm xấu cảnh quan thiên nhiên, gây mất mĩ quan đường phố, ảnh hưởng đến ấn tượng của du khách nước ngoài. Đồng thời, nó còn là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường sống. Sông hồ bị rác lấp đầy dần, dẫn đến không có oxy, cá tôm không thể sống nổi. Rác thối rữa, phân hủy mùi hôi khó chịu, bốc lên trời, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nó còn là nguyên nhân gây nên nhiều dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống sinh vật. Không chỉ vậy, vứt rác bừa bãi còn thể hiện sự vô ý thức của con người. Người có ý thức sẽ ném rác đúng nơi quy định, còn người vô ý thức, vị kỉ sẽ tiện tay vứt rác xuống đất.
Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức của bản thân cũng như có những biện pháp thiết thực. Trước hết, về ý thức, mỗi người cần nhận thức được những hậu quả của việc vứt rác bừa bãi, đồng thời, biết tôn trọng và góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh. Chúng ta không xả rác bừa bãi ở mọi nơi, mà phải tìm đúng nơi thùng rác công cộng hoặc bỏ rác vào thùng nếu ở nơi công cộng; không vứt rác xuống dòng sông, lòng đường, các khu vực công cộng; không được vứt rác ra các bể nước công cộng như ao, hồ, kênh rạch. Đối với các hộ gia đình, nên xây dựng hệ thống hầm cầu để bỏ rác, tránh việc vứt rác bừa bãi ra đường, gây mất mĩ quan. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân; đồng thời, có những chế tài xử lí, xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Mỗi người một hành động nhỏ nhưng cùng chung tay với sẽ tạo ra ý nghĩa lớn, giúp cho môi trường sống của chúng ta sạch đẹp hơn. Vậy nên chúng ta cần phải biết giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng, đừng vì thói quen, sự lười biếng, sự ích kỉ của bản thân mà phá hỏng môi trường sống của chính mình và của những người khác. Hãy nhớ: "Mình vì mọi người, mọi người vì mình", có như vậy môi trường sống mới trở nên trong lành, văn minh và tốt đẹp hơn.