Nam Cao là một nhà văn xuất sắc chuyên viết truyện ngắn trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông chủ yếu nói lên hoàn cảnh, số phận nghèo khó, khổ cực của người nông dân thời xưa. Một trong số đó là truyện ngắn "Lão Hạc", tác phẩm đã khắc họa vô cùng chân thực hình ảnh người nông dân nghèo nhưng có phẩm chất cao đẹp.
Trước tiên, Lão Hạc là một người nông dân vô cùng nghèo khổ. Lão sống một thân một mình trong cô đơn, vất vả. Vợ ra đi từ rất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến khi thằng con lớn, nó cũng bỏ lão, đi làm đồn điền cao su với ước mơ "có bạc trăm mới về". Từ đó, lão phải sống một mình, đối mặt với biết bao khó khăn, bất trắc của cuộc đời. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn trước cũng là của con trai và con chó mà con trai mua tặng lão - cậu Vàng. Nhưng sau một trận ốm nặng, mấy đấu gạo thưa thóc ít, lão đành phải bán cậu Vàng đi rồi tự tử bằng nắm bả chó.
Không chỉ vậy, hoàn cảnh sống của lão cũng thiếu thốn, nghèo khổ vô cùng. Lão chỉ có một cái tổ chim "sơ sài, skhuôn cửa sổ làm bằng phên rạ trát bằng đất". Lão ăn uống cũng rất đạm bạc: "Củ khoai, củ sắn, con ốc, con trạch", những thứ mà tự mình làm ra. Tuy cuộc sống khó khăn là thế nhưng lão vẫn luôn giữ cho riêng mình những phẩm chất tốt đẹp. Lão là một người giàu tình yêu thương, sống nhân hậu và có lòng tự trọng cao. Con chó Vàng vốn là một món hời lão dành dụm lắm mới mua được nó. Vì thương nó nên lão coi nó như con cháu trong nhà, đem nó ra nuôi. Mỗi lần nhìn thấy nó quây quần bên cạnh, lão lại nhớ tới đứa con trai và dành hết tình yêu thương cho nó. Lão gọi nó là "cậu" Vàng, chăm sóc, ăn ngủ cùng nó. Lão già rồi, con cũng đi biền biệt, ở nhà chỉ còn mỗi cậu Vàng bầu bạn. Mỗi khi rảnh rỗi, lão lại đem nó ra tắm rửa, bắt giận, massage cho nó. Lão yêu thương cậu Vàng vô bờ bến. Thế nhưng, hoàn cảnh túng quẫn, bị dồn vào đường cùng, lão buộc phải bán cậu Vàng đi. Khi kể chuyện bán cậu Vàng cho ông Giáo nghe, lão cố làm ra vẻ vui vẻ nhưng giọng điệu lại thật chua chát, đau lòng. Điều đó chứng tỏ rằng lão đang tự lừa dối bản thân, lừa dối chính tâm hồn mình chứ không còn là lão nữa. Bán cậu Vàng xong, lão khóc như một đứa trẻ. Lão dằn vặt bản thân, day dứt, ân hận vì đã lừa dối một con chó. Lão còn không muốn tiêu lạm vào số tiền mà mình đã dành dụm cả đời cho con trai. Cuối cùng, lão quyết định bán đi mảnh vườn và tự tử bằng nắm bả chó.
Qua đây, ta thấy được lão Hạc là một người giàu tình yêu thương, có lòng tự trọng cao. Ông không muốn nhờ vả, vay mượn ai, không muốn phiền hà hàng xóm nên đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Bên cạnh đó, lão Hạc còn là một người nông dân nghèo khổ, bất hạnh nhưng vẫn sáng ngời nhân cách và phẩm giá cao đẹp. Mặc dù đói khổ, túng quẫn nhưng lão nhất quyết không bán đi mảnh vườn của mình để cho con trai có chỗ sinh sống, gây dựng gia đình. Sau khi bán đi cậu Vàng, lão cứ day dứt mãi, đau đáu vì mình đã lỡ lừa một con chó. Lão tự trách mình quá tàn nhẫn. Rồi lão gửi ông Giáo tiền nhờ lo ma chay khi lão nằm xuống. Có thể thấy, dù có khó khăn, khốn khổ nhưng lão vẫn giữ cho mình tấm lòng thanh bạch, lương thiện.
Có thể nói, nhà văn Nam Cao đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Nhân vật Lão Hạc từ ngoại hình đến nội tâm đều được khắc họa rõ nét, cụ thể. Qua đó, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được mạch cảm xúc nhân vật, đồng thời, phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn người nông dân Việt Nam thuở trước.
Tóm lại, Lão Hạc tuy là một người nông dân nghèo khổ nhưng vẫn sáng ngời nhân cách, phẩm giá. Lão là đại diện cho người nông dân Việt Nam thuở bấy giờ: tuy đói khổ nhưng không thối nát, vẫn giữ được bản chất cao đẹp, trong sáng.