Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm “Truyện Kiều” – kiệt tác số một của văn học trung đại Việt Nam, ngoài ra ông còn sáng tác bằng chữ Hán với những chủ đề khác nhau. Với “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã bộc lộ tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người,tiếng nói lên án tố cáo thế lực đen tối chà đạp con người, tiếng nói khẳng định ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của con người, tiếng nói đồng tình với ước mơ đổi mới xã hội. Đoạn trích “Trao duyên” đã thể hiện rõ tài năng nghệ thuật độc đáo, cái nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng trắc ẩn đầy tình người của ông.
Đoạn trích “Trao Duyên” thuộc phần hai: Gia biến và lưu lạc, sau khi gia đình Kiều gặp cơn nguy biến, Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để cứu cha và em trai. Đêm cuối cùng trước ngày ra đi theo Mã Giám Sinh, Kiều đã nhờ cậy Thúy Vân thay mình trả nghĩa, kết duyên với Kim Trọng.
Để thuyết phục Thúy Vân, Kiều đã dựa vào tình máu mủ ruột già, tình chị em gắn bó:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Từ “cậy” được lặp lại hai lần, “em” hai lần thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Thuý Kiều, đó là sự nhờ vả đúng người, tin tưởng đúng người. Kiều đặt Thúy Vân vào tình thế mặc nhiên phải chấp nhận, bởi lẽ Kiều hiểu trong hoàn cảnh này, chỉ có duy nhất Thúy Vân mới giúp được nàng. Hành động trang trọng: “lạy”, “thưa” cũng là hành động mà Kiều buộc phải làm, bởi nàng lúc này là người chịu ơn, nàng lạy em mình để mong em giúp đỡ. Kiều đã đặt mình vào vị trí của người chịu ơn nên hành động có phần phù hợp.
Kiều kể lại vắn tắt mối tình với chàng Kim, giãi bày lí do vì sao phải trao “mối tơ thừa” cho em gái:
“Giữa đường đứt gánh tương tư…
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
Tình yêu của Kiều và Kim bị “đứt gánh” giữa đường bởi sóng gió ập đến gia đình nàng. Nàng đành lỗi hẹn với tình yêu vì chữ hiếu. Nàng đã trao lại mối duyên tình của mình cho Thúy Vân dù trong lòng có bao đau xót. Kiều đã trao lại cho Thúy Vân tất cả những kỉ vật tình yêu: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền. Nàng trao lại cho em những kỉ vật ấy với niềm hi vọng rằng em sẽ thay chị nối tiếp tình duyên với chàng Kim.
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Kiều trao duyên cho em bằng tất cả sự trân trọng, nàng trao lại cho em những kỉ vật thiêng liêng, những kỉ vật ấy đối với nàng giờ đây là kỉ niệm, là linh hồn của nàng, nhưng vì em, nàng sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi về phía mình, dù có “thịt nát xương mòn” nàng cũng cam lòng. Ý nguyện của Kiều là Thúy Vân sẽ giúp nàng nối tiếp tình duyên với Kim Trọng, dù chết đi nàng cũng “ngậm cười” mãn nguyện.
Nàng biết rằng khi nàng ra đi, sẽ chẳng còn ai bên cạnh Thúy Vân an ủi, động viên, thế nên nàng đã dặn dò em rất nhiều, giọng nàng như muốn nghẹn lại:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!”
Những kỉ vật nàng trao lại cho em, mong em hãy coi đó là “của chung”, là kỉ niệm của cả ba người. Nàng lo lắng rằng Thúy Vân và Kim Trọng nên vợ nên chồng cũng không quên được kẻ “mệnh bạc” là nàng. Nỗi lo ấy xuất phát từ đáy lòng vị tha và ân tình của Kiều, nàng đã hi sinh cả cuộc đời mình cho tình yêu, vậy mà giờ đây nàng lại đứng bên lề hạnh phúc của người mình yêu, thật đau đớn biết bao.
Kiều quay trở lại thực tại, xót xa nhận ra quy luật nghiệt ngã của số phận, nàng đã dự cảm về cái chết:
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”
Lời thơ cất lên như tiếng than khóc đầy đau đớn, xót xa cho số kiếp hồng nhan bạc mệnh. Kiều đã dự cảm được cái chết của mình, nàng sẽ chẳng còn nữa, chỉ còn một linh hồn “bơ vơ” chốn cửa ải, nàng chỉ còn biết nhờ hương khói của em và chàng Kim chứng giám cho lòng mình.
Bằng bút pháp nghệ thuật miêu tả nội tâm đặc sắc, sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, Nguyễn Du đã khắc họa thành công tâm trạng dằn vặt, đau đớn của Kiều khi trao duyên, qua đó ta cảm nhận được Kiều là một người con gái có tâm hồn cao thượng, giàu đức hi sinh, tuy hi sinh cả cuộc đời cho tình yêu nhưng khi tình yêu dở dang, Kiều sẵn sàng hy sinh tình yêu để đổi lấy hạnh phúc cả đời cho những người mình yêu thương.
Qua đoạn trích “Trao duyên”, ta càng thấu hiểu hơn những đắng cay mà Kiều phải trải qua, càng thêm trân trọng những giá trị đẹp đẽ trong cuộc sống hôm nay.