Đề bài
TRƯỜNG THPT HÀM TÂN | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2019 – 2020 MÔN NGỮ VĂN LỚP 12 (Thời gian: 90 phút) |
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kì một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hãy cố gắng tìm kiếm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.
(Trích Steve Jobs với những phát ngôn đáng nhớ, theo http://www.vnexpress.net, ngày 26/8/2011)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2: Theo đoạn trích, điều gì đã giúp tác giả tiếp tục bước đi trong cuộc sống?
Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về câu: "Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn"?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: "Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý"? Vì sao?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Steve Jobs được nêu trong đoạn trích phần đọc hiểu: “Cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời”.
Câu 2: (5,0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Lời giải chi tiết
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1:
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: Miêu tả, biểu cảm, tự sự, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Cách giải:
- Điều giúp tác giả tiếp tục bước đi trong cuộc sống đó chính là tình yêu dành cho những gì tác giả đã làm.
Câu 3:
* Phương pháp: phân tích, tổng hợp
* Cách giải:
Học sinh trình bày cách hiểu của mình một cách hợp lý, thuyết phục. Tham khảo các cách trả lời sau:
– Câu nói cho thấy trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn thất bại.
– Câu nói cho thấy trong cuộc sống, đôi khi có những khó khăn khách quan bất ngờ xảy ra khiến chúng ta thất bại.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Gợi ý:
- Mỗi người cần phải tìm ra được cái mình yêu quý – đó có thể là một công việc hoặc một con người. Đó là công việc/ con người mà chúng ta thích thú, đam mê, theo đuổi và tin tưởng là tuyệt vời. Chỉ khi đó chúng ta mới có động lực để làm việc hoặc sống có trách nhiệm hơn.
Phần II. Làm văn
Câu 1:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Gợi ý:
– Đồng tình với ý kiến: lập luận cần theo hướng khẳng định niềm tin, tình yêu đối với công việc (tin rằng đó là những việc tuyệt vời) sẽ là động lực mạnh mẽ để mỗi người vượt qua những khó khăn, trở ngại (bao gồm cả những yếu tố khách quan và chủ quan) để thành công. Người ta không thể thành công nếu không có niềm tin vào công việc và không tin đó là việc tốt (tuyệt vời).
– Phản đối ý kiến: lập luận cần theo hướng để thành công trong công việc, nếu chỉ có niềm tin, tình yêu thôi thì chưa đủ, cần phải có hiểu biết kiến thức về công việc, kĩ năng và kĩ xảo để thực hiện công việc đó, ngoài ra, các yếu tố khách quan và sự may mắn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của mỗi người trong công việc.
– Vừa đồng tình, vừa phản đối ý kiến: kết hợp hai cách lập luận trên.
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác, tác phẩm
- Kim Lân là cây bút xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam và nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân – mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc. Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lý của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.
- Vợ nhặt là một trong những sáng tác xuất sắc của ông. Có nhà nghiên cứu văn học đã xếp Vợ nhặt vào loại gần như “thần bút”.
- Truyện ngắn được xây dựng trên cái nền hiện thực của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) và được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
2. Phân tích
2.1 Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật “thị”
a. Giới thiệu chân dung, lai lịch:
* Lai lịch: không rõ ràng:
- Không tên tuổi.
- Không gia đình, quê hương.
- Không nghề nghiệp.
- Không tài sản
- Không quá khứ.
→ Trong nạn đói khủng khiếp, thân phận con người trở nên hết sức vô nghĩa.
* Chân dung:
- Ngoại hình:
+ Áo quần tả tơi như tổ đỉa
+ Gầy sọp
+ Mặt lưỡi cày xám xịt
+ Ngực gầy lép
+ Hai con mắt trũng hoáy
→ Ngoại hình thảm hại do cái đói tạo ra.
* Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động:
- “Điêu! Người thế mà điêu!”, “Ăn thật nhá”, “Hà, ngon. Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố” ⟶ đanh đá, chua ngoa, chao chát, chỏng lỏn.
- “Ton ton chạy lại”, “liếc mắt cười tít”, “sầm sập chạy đến”, “xưng xỉa nói”, “cong cớn”, “cắm đầu ăn”, “ăn xong lấy đũa quẹt một cái”, bám lấy câu nói đùa của người ta để theo về làm vợ thật ⟶ vô duyên, táo bạo đến mức trơ trẽn.
b. Vẻ đẹp nhân vật:
* Khát vọng sống mãnh liệt:
- Khi nhìn dưới góc độ nhân bản thì tất cả hành động, cử chỉ trơ trẽn, vô duyên của thị lại là biểu hiện của khát vọng sống mãnh liệt ⟶ khâm phục thị.
* Vẻ đẹp nữ tính:
- Trên đường về nhà chồng:
+ Rón rén, e thẹn: “Thị cắp cái thúng con, cái đầu hơi cúi xuống; cái nón rách tả tơi nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”
+ Ngượng nghịu: “Chân nọ ríu vào chân kia”.
→ Bẽn lẽn, thẹn thùng như bất kì cô dâu mới nào.
- Khi về đến nhà chồng:
+ Thấy gia cảnh nhà chồng: “nén tiếng thở dài”
+ “Ngồi mớm ở mép giường”
- Khi gặp gỡ mẹ chồng:
+ Đứng dậy nghênh đón, lễ phép chào.
+ Ngượng nghịu cúi đầu, tay vân vê vạt áo.
+ Đứng im lắng nghe bà cụ Tứ dặn dò.
- Sáng hôm sau:
+ Dọn dẹp, vun vén nhà cửa.
+ Bưng bát cháo khoán điềm nhiên và vào miệng.
→ Hiền hậu đúng mực
* Niềm tin vào tương lai:
- Đưa đến thông tin mang tính chất như định hướng để mở ra lối thoát.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: chú trọng khắc họa cử chỉ, hành động, ngoại hình để người đọc nhận ra vẻ đẹp của thị.
3. Kết luận
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Địa lí lớp 12
PHẦN 7: SINH THÁI HỌC
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12
Các dạng bài nghị luận văn học liên hệ, so sánh
Đề kiểm tra học kì 2