Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu chuyện định kể
Thân bài:
- Giới thiệu nhân vật và câu chuyện định kể
- Kể diễn biến trình tự diễn ra câu chuyện
- Câu chuyện đã khiến em suy nghĩ thế nào
Kết bài: Cảm nghĩ và bài học em nhận được từ câu chuyện trên
Bài siêu ngắn
Bây giờ, mỗi khi lật lại quyến vở cũ, thấy đôi nét chữ ngay ngắn bên cạnh những dòng nguệch ngoạc, em không thể nào quên được bao buổi tối ông nội ngồi kèm cho em học.
Năm đầu lớp một, chẳng hiểu vì sao riêng món tập viết là em kém gần như nhất lớp. Cô rầy mãi. Đã thế, cô còn bảo về nhà khiến em hổ thẹn vô cùng.
Ba mẹ em thì đâu có thời giờ. Hàng đêm, ông cứ ngồi kề bên, chi bảo và cầm tay nắn nót cho em từng nét chữ. Hết bảng con rồi lại vào vở. Phải nói, ông chiều chuộng em hết mức. Nhiều lần có chữ o mà viết mãi cũng không tròn, ông chớ hề tỏ ra bực dọc chút nào.
Dần dần về sau đã có sự tiến bộ. Cho đến một hôm, lần đầu tiên em được điểm chín môn tập viết làm cô giáo rất đỗi ngạc nhiên. Cô tuyên dương em trước lớp.
Về nhà, em khoe ngay với ba, với mẹ, chạy thẳng ra sau vườn, xoè quyển vở điếm còn tươi rói cho ông xem. Đang chăm sóc mấy cây kiểng, ông dừng lại và cười nói: “Có công mài sắt. có ngày nên kim con ạ!”
Nhưng giờ đây, ông em đã ra người thiên cổ rồi, còn đâu! Nhìn chữ viết ông đó mà lòng bùi ngùi vô hạn.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tú là người mẹ hiền thứ hai của em. Chồng cô là liệt sĩ; một mình cô nuôi dạy hai người con, chị Hảo và anh Vinh, nay đã trưởng thành: một người là kĩ sư đóng tàu, một người là bác sĩ.
Với em, cô coi như con gái út ít. Em mồ côi bố, mẹ đã đi bước nữa, lâu âu mẹ mới về thăm. Đầu năm học, mẹ cho một ít tiền, cuối năm mẹ mua cho bộ quần áo mới. Em ở với bà ngoại, công nhân quốc phòng về hưu. Trước kia, hai bà cháu sống trong một ngôi nhà cũ kĩ, nền đất, một góc nhà bị dột. Từ năm 2000, hai bà cháu được ở trong ngôi nhà tình nghĩa ba gian, tường xây, lợp ngói đỏ, nền nhà xi măng bóng mượt. Nhiều người cho biết là cô Tú, đại biểu Hội đồng nhân dân xã đã tích cực vận động cho hai bà cháu em được tặng ngôi nhà tình nghĩa này.
Biết em nhà nghèo và cô đơn, những ngày mưa gió, cô đưa em về nhà nuôi và dạy em học thêm. Gặp bà em, cô nói: "Cụ đừng ngại. Chúng tôi coi cháu như con...". Nhờ cô bồi dưỡng mà năm lớp Ba, lớp Bốn, em đều đạt học sinh giỏi, thi "Vở sạch chữ đẹp" được giải Nhất toàn trường, được giải Nhì môn Tiếng Việt toàn huyện. Em nhỏ bé nhất, hay bị các bạn bắt nạt. Khi học lớp Một, lớp Hai, em chỉ biết khóc. Cô nói với cả lớp, nói rất nghiêm: "Em Hải là cháu của cô. Từ nay trở đi, bạn nào còn bắt nạt Hải là cô phạt nặng. Em Huân, em Cờn, em Hoạch... đã nhớ chưa ?".
Cái áo len màu xanh dài tay, cái mũ vải của em đội hiện nay là của cô mua cho. Lần em lên sởi, cô và chị Hải bác sĩ đã đưa em lên bệnh viện chữa chạy, chăm sóc. Toàn bộ viện phí, cô đều cho hết. Lần cô bị ốm, em đến thăm, em ôm lấy cô, khóc và nói: "Con sợ mẹ Tú chết mất thôi. Mẹ chết con ở với ai", nước mắt cô chảy ra. Em mang đến hai quả cam làm quà, cô nhận và nói: "Hải ngoan lắm ! Mẹ thương con". Những chiều chủ nhật đến thăm cô, được cô sai ra vườn hái lá chanh, lá bưởi, lá hương nhu đem vào nấu lên làm nước gội dầu, kỉ niệm êm đềm ấy, em nhớ mãi.
Hè năm 2004, cô giáo Tú về hưu. Lên lớp năm, em học với thầy Đại, thầy Đại cũng quý em lắm. Thế nhưng, có nhiều lúc ngồi học trong lớp, em cứ nghĩ vẩn vơ. Chiều thứ 5, thứ 7 tuần nào, em cũng đến thăm cô. Lúc ra về, có hôm cô nhẹ nhàng vuốt mái tóc em và nói: "Tóc con gái của mẹ dạo này xanh đen hơn, không còn đỏ quạch như năm ngoái nữa...". Mẹ cười nói, nước mắt chảy ra...
Đó là một vài kỉ niệm về "người mẹ thứ hai" mà em không bao giờ quên. Còn nhiều kỉ niệm sâu sắc lắm.
Bài tham khảo 2:
Sau khi bố tôi mất, mẹ đưa tôi về ở với bà ngoại. Năm đó, tôi lên học lớp Ba. Bà ngoại là công nhân nhà máy dệt, về hưu đã gần 20 năm. Mẹ tôi là công nhân của Công ti Công viên thị xã; mẹ thường đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về.
Ở gần nhà bà ngoại cũng có trường Tiểu học, nhưng vì tôi là học sinh ngoại tuyến nên phải đi học xa, cách nhà bà đến hơn hai cây số. Nhiều hôm trời mưa gió, tôi còn nhỏ nên đi học thật vất vả. Mẹ vẫn an ủi động viên: "Hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, con cố gắng, mẹ con ta cố gắnẹg!". Nghe mẹ nói, nước mắt mẹ chảy ra, tôi thương mẹ, thương bà lắm. Học kì I lớp Ba, tôi đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi.
Tuổi thơ vốn hồn nhiên. Bạn tự giới thiệu họ tên mình là Lê Thị Hương Lan, rồi thì thầm hỏi: "Đằng ấy tên gì ?". Nghe tôi nói, bạn nhắc lại tên tôi: "Nguyễn Thị Quỳnh". Chúng tôi cùng rúc rích cười..Sáng chủ nhật hôm ấy, tôi đang ngồi học bài thì cô bạn hàng xóm sang chơi. Đã nhiều lần gặp nhau, nhưng tôi rụt rè không dám làm quen bắt chuyện. Người bạn mới cao hơn tôi nửa cái đầu, gương mặt bầu bĩnh, nước da trắng mịn màng. Đôi bàn tay búp măng, bạn giở từng trang vở của tôi, nheo mắt cười, nói: "Chữ cậu viết đẹp quá !".
Sau đó, hầu như chủ nhật nào Hương Lan cũng sang nhà tôi chơi, lúc nói chuyện vui, lúc trao đổi về các bài tập Tiếng Việt, bài Toán khó. Mấy lần Hương Lan mời tôi sang nhà bạn chơi, nhưng tôi chỉ hứa và khất. Hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn nên mẹ dặn: "Không được thấy người sang bắt quàng làm họ". Bố mẹ Lan đều dạy học: bố dạy Toán Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, mẹ là Hiệu phó Trường Tiểu học Kim Đồng. Ngày 1-6, tôi ở trường về thì đã thấy bố mẹ Lan đang ngồi nói chuyện trong nhà với bà ngoại. Tôi cúi đầu chào.
- Cháu chào hai ông bà.
- Chào cháu. Cháu đi dự lễ 1-6 ở trường về à ?
- Vâng ạ !
Bố mẹ Lan xem giấy khen và phần thưởng của tôi, rồi nói với bà: "Con bé ngoan và học giỏi. Thương nó vất vả quá." Ông bà cho tôi một số quà, có một bộ quần áo rất đẹp và sách vở, một cái ba-lô màu xanh đựng sách vở đi học, thứ mà tôi hằng ao ước lâu nay. Tôi cảm ơn, tay run run nhận quà. Bà nhẹ nhàng vuốt mái tóc tôi và nói: "Thỉnh thoảng cháu sang nhà bác chơi. Cháu và cái Lan cùng tuổi, cùng lớp đó...”.
Chắc là Hương Lan đã nói với bố mẹ mình về hoàn cảnh của tôi nên đã nhờ mẹ xin cho tôi về học tại Trường Tiểu học Kim Đồng, cách nhà bà độ nửa cây số. Mọi thủ tục giấy tờ chuyển trường, bố mẹ Lan đều làm cho cả.
Lớp Bốn, tôi và Lan đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi học sinh giỏi môn Toán toàn quận. Lan được giải Nhì, tôi được giải Ba. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân. Bố mẹ Lan thương tôi và coi tôi như con cháu trong nhà.
Tôi không còn phải đi học xa nữa. Những hôm mưa to gió lớn, tôi lại bâng khuâng nhớ đến kỉ niệm buổi đầu gặp Hương Lan.
Bài tham khảo 3:
Tôi và Quỳnh quen biết nhau từ những ngày hai đứa còn học mẫu giáo. Ngày ngày gắn bó với cô bạn nhỏ xinh khiến cho tình bạn giữa chúng tôi cứ lớn dần lên và thân thiết, khăng khít với nhau từ lúc nào chẳng hay. Giữa hai đứa đã có rất nhiều kỉ niệm, nhưng khó quên nhất đối với tôi lại chính là lần hai chúng tôi cãi nhau khi ở vườn hoa trong trường vào giờ giải lao.
Chuyện cách đây đã ba năm nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Buổi sáng hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, không khí ấm áp, chúng tôi tha hồ hít thở bầu không khí trong lành. Vườn trường có nhiều sắc hoa. Tôi thích nhất là cây hoa cúc vàng. Nó nhiều cánh, nhị ở giữa, cánh hoa mềm mại xếp đều vào nhau; hương hoa thơm thoang thoảng và trông thật dễ thương, sắc hoa màu vàng rực rỡ. Tôi nói:
- Quỳnh ơi, xem kìa, hoa cúc mới đẹp làm sao!
Quỳnh bĩu môi:
- Ờ đẹp thật! Nhưng làm sao đẹp bằng hoa hồng. Hoa hồng là chúa tể của các loài hoa.
Tôi và Quỳnh mải tranh cãi với nhau, ai cũng cho ý mình là đúng và có lí cả. Suốt thời gian đầu Quỳnh vẫn bảo vệ ý đúng của mình. Quỳnh giận tôi thật rồi! Từ góc vườn, bác bảo vệ lại gần chúng tôi:
- Này hai cháu, từ nãy đến giờ bác đã nghe hai cháu tranh cãi với nhau việc hoa nào đẹp hơn rồi. Bây giờ bác nói cho hai cháu nghe nhé: “Hoa nào cũng đẹp, mỗi hoa có một vẻ đẹp riêng. Cái chính là chúng ta phải biết chăm sóc cho hoa đẹp hơn, tươi hơn và đâm chồi để nở ra nhiều hoa khác”.
Khi bác bảo vệ đã đi xa, bầu không khí đã dịu lại, tôi và Quỳnh không cãi nhau nữa mà chuyển sang một trạng thái im lặng đến đáng sợ. Có lẽ cả hai đứa chúng tôi đều vụng về trong cách thể hiện tình cảm, chưa biết phải mở lời như thế nào sau trận tranh cãi nảy lửa vừa rồi. Được một lúc Quỳnh quay sang cười làm hoà với tôi:
- Mình xin lỗi nhé, lúc nãy mình nóng quá!
Tôi vội vàng xua tay:
- Không mình mới là người nóng nảy, lẽ ra mình nên đợi Quỳnh bày tỏ xong rồi mới lên tiếng.
Vườn hoa trước mắt chúng tôi lúc bấy giờ dường như đẹp hơn rất nhiều. Hai đứa chúng tôi cùng cười vui vẻ với nhau. Bạn bè thân thiết là như thế đấy, giây trước còn cãi nhau nảy lửa, giây sau đã lại có thể như không có chuyện gì. Làm bạn với nhau thật sự không thể tránh được những tranh cãi, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải học cách hiểu nhau, học cách bao dung và vì nhau nhiều hơn nữa
Bây giờ chúng tôi đã lớn. Ba năm qua, kỉ niệm thời thơ ấu vẫn đọng mãi trong tôi: Một trận tranh cãi ngốc xít, đổi lấy một lần hiểu nhau và biết vì nhau nhiều hơn.
Bài tham khảo 4:
Ba gọi điện chiều nay sẽ trở về sau chuyến công tác dài ngày, mẹ nhoẻn cười hiền lành, không giấu nổi cái khấp khởi của người phụ nữ đã hai con, xa chồng lâu ngày.
Cúp điện thoại là mẹ vội vàng gõ cửa phòng ồ ạt thông báo liền cho hai thằng nhỏ đang “chiến game” ở trong. Nói rồi, mẹ hào hứng cầm rổ ra sau vườn ngắt vài ngọn khoai cho vào tủ lạnh trước khi xách giỏ đi chợ.
Dù có chuẩn bị bữa tối tinh tươm đến đâu thì rau lang luộc vẫn không thể vắng mặt trong những dịp như thế này - món ăn kỉ niệm của cả nhà mình. Nhìn đĩa rau xanh hãy còn bốc khói trên bàn, nhớ quá đi thôi một thời xa lắc chính nó là món ăn cứu tinh cho cái gia đình bé nhỏ qua một thời đói khát, lo cho ba đi học tiếp, cũng chính những ngọn khoai ấy đưa chúng con vào giảng đường.
Khoảng đất trống ở góc vườn, mẹ thả mấy dây khoai lang hòng lấy ngọn cải thiện bữa ăn. Hết rau lang luộc chấm ruốc rồi lại ngọn lang xào tỏi, cứ đều đều ăn riết thành quen, đâm nghiện lúc nào không hay.
Mùi nhựa rau hăng hắc khi cho bắc chảo xào, rồi cái mùi ê ê của nước rau cho thêm tí mì chính, tí đường cũng thành món canh húp nước ngon lành. Nhìn dây khoai tốt ngọn óng mượt bò tràn lan trên mặt đất, ai cũng bảo “chắc lắm củ đấy”. Vậy mà, đến ngọn còn không đủ làm thức ăn cho cả nhà lấy đâu mà ra củ. Nhiều bữa thấy mẹ phải ngắt luôn cả hàng lá ở gần sát ngọn, rồi sợ lá già sẽ đắng và cứng, mẹ cho vào nước luộc trước khi đem xào dầu.
Dạo ấy, ba đi học tiếp trên thị xã, mẹ phải tăng ca làm thêm tất bật mới đủ sức nuôi “ba đứa học trò trong nhà”. Cứ mỗi chiều thứ Bảy ba lại đạp xe về. Ba cha con tự nhiên đến nỗi tự biết xách rổ ra sau vườn hái ngọn lang vào luộc làm bữa chính bởi cả cha cả con thừa hiểu nếu có về mẹ cũng chỉ đủ tiền mua mớ tép con con cho có cái gọi là tanh tanh một chút. Ấy vậy mà đấy được coi là bữa ăn xa xỉ nhất trong tuần.
Cơm chiều dọn ra, mẹ ân cần xúc bỏ vào chén ba, chén tụi nhỏ mấy con tép vàng vàng, còn ngọn rau luộc xanh xanh mẹ cẩn thận chấm nước cho vào chén mình, tươi cười mẹ ngồi lặng lẽ nhìn ba bố con ăn ngon lành. Cái vị bùi bùi, giòn giòn lại ê ê, vậy đó mà cả nhà vét đến hạt cơm cuối cùng, thấy thế là sướng rơn và vui vẻ không gì bằng.
Cuộc sống tằn tiện chắt chiu, song vẫn không thể bền bỉ như thế được lâu. Ba tự túc xin đi học thêm lên, kinh phí tự bỏ ra, tụi con lớn lên sách vở cũng phải tăng trang, mỗi bữa cơm dọn ra càng tố cáo nỗi eo hẹp của cái gia đình bé nhỏ ấy.
Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo từng đợt học phí, chỉ có mỗi đám dây khoai ở góc vườn là không ngừng được nới rộng đất trồng. Thực đơn của mẹ cũng vì thế mà thêm phần sáng tạo: Ngọn lang xào tỏi, rau luộc chấm ruốc, canh rau lang nấu dầu... Hiếm có bữa nào, mâm cơm lại thiếu đi màu xanh quen thuộc.
Thời gian tím sắc trôi theo từng đợt hoa lang nở rộ, bung cánh tím biếc cả một góc sân rộng. Nhà mình bây giờ khá hơn nhiều, cuộc sóng đã theo kịp nhịp của một gia đình phố thị. Bữa cơm không còn theo chủ nghĩa “độc tôn một món”, nhất rau xanh như trước đây nữa!
Chúng con mỗi đứa có được một phòng riêng, cũng chẳng còn cảnh cả nhà ba người đàn ông và một người khác giới phải trải chiếu dưới nền nhà ẩm mốc lăn đùng ra ngủ sau một ngày thở dốc. Song, dù có tiện nghi đến mấy, mỗi thành viên vẫn không khỏi thấy nhớ và thương đến đắng lòng từng đám ngọn lang xanh rì bò dọc ngang trong vườn nhà.
Ba trở về, mẹ khấp khởi mừng thầm. Chiều nay, cả nhà mình lại chung mâm cơm có món rau quen thuộc và có cả kí ức đầm ấm một thời bên nhau.
Vòng tay qua ôm trọn lấy vòng eo vốn đã không còn thon thả nhưng vẫn còn đủ sức cho cái mặn mà một thời đắm say của mẹ, bên bữa cơm chiều, giọng ba thỏ thẻ:
Anh đi anh nhớ vợ anh
Hết rau lang luộc, lại đem xào dầu...
Thương lắm từng đọt ngọn lang ơi...!
Bài tham khảo 5:
Thế là hôm nay, em đành phải từ biệt chiếc áo sơ mi xanh thân thuộc. Vì lẽ nào em không nhớ. Nhưng chỉ biết là hôm nay tổng kết năm học em mặc bộ quần áo mới nhất để tới trường dự buổi lễ quan trọng ấy. Tuy vậy những kỷ niệm về tấm áo cũ vần in đậm trong tâm hồn em.
Tấm áo ấy không phải ai mua ai tặng và không phải do một thợ may khâu lành nghề nào may mà chính đôi bàn tay khéo léo của mẹ em đã may cho em: Mẹ cắt chiếc áo bộ đội của bố thành tấm áo nhỏ rồi thức thâu đêm khâu áo cho em. Một ngày kia áo được may xong. Em sung sướng mặc vào. Chà, đẹp quá! Mẹ khéo tay thật! Tấm áo màu xanh lá cây có hai chiếc túi xinh xắn và cặp cầu vai vồng vồng. Em khoe với tất cả bạn bè. Ngày ngày tới lớp em khoác trên mình tấm áo thân yêu. Nhưng một điều nữa làm em quí nó gấp bội. Đó là hơi ấm của bố vẫn còn trong áo em. Hơi ấm của người chiến sĩ. Vui sao mỗi sáng đến trường em cùng áo và bạn Phương, Hằng đi trên con đường làng ẩm ướt hơi sương. Những cơn gió thổi nhè nhẹ làm tà áo bay lượn như nhắc nhớ chúng em mau mau tới lớp nhìn áo lòng em vui phơi phới khi nghĩ tới người cha kính yêu đang cầm súng đánh giặc bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Một hôm trời mưa rả rích, sân trường trơn, nước đọng lại từng vũng to như cái chảo. Khi mưa vừa ngớt hạt, cái Hằng đã rủ em ra chơi đuổi bắt mối. Mải nhìn và chạy theo mối, em quên bẵng những vũng nước đáng ghét kia. Bỗng “oạch” em ngã sõng soài, quần áo lấm lem bùn đất, các bạn phải chạy tới đỡ em dậy, Hôm ấy cứ tức cái Hằng mãi. Còn cái áo tuyệt đẹp kia em phải giặt mỏi tay mà không sạch. Mẹ em phải giặt bao nhiêu xà phòng nó mới sạch được mọi vết bùn. Em ân hận quá. Từ đó em quý áo hơn lúc nào em cũng gần gũi với áo như một đôi bạn thân thiết. Đêm nằm ngủ, em cởi áo ra và gấp lại. Sáng em mặc áo đi học. Nhưng em có tính bộp chộp và hay quên. Một hôm nào đó em đi học về không nhớ nữa. Chả là hôm đó em được 9 điểm văn. Em sem nghĩ được một ý, liền lấy que chọc một lỗ hổng chui sang lấy cặp, lúc trở ra mặt mũi em bị sước, áo rách toạc một mảng. Lần này về em bị mẹ phê bình. May sao mẹ tìm được manh vải giống màu, mẹ cặm cụi vá lại. Chiếc áo bị vá làm em rất buồn. Tấm áo ấy em vẫn mặc để nhớ ngày bố em lên chiến trường đánh giặc. Nhưng tiếc thay vì hay nghịch ngợm quá đáng nên áo rách thêm, ngày càng phai màu, cũ vải. Em vẫn quý nó, vẫn mặc áo, vẫn gắn liền những kỉ niệm thời thơ ấu và vẫn gửi gắm tình thương của mình sang áo. Một ngày kia áo rách nhiều quá. Mẹ em không vá hết được và hôm nay tổng kết năm học. em đành phải từ biệt áo. Áo ơi, mình vẫn quý bạn đó. Mình vẫn nhớ mãi sáng mùa đông rét buốt như kim châm, không nhờ bạn mình không thể đến lớp được đâu. Mình xin cảm ơn bạn nhé. Chính nhờ bạn, mình đi học đều đặn trong mỗi buổi sáng mùa đông. Nên bây giờ mình mới đạt được kết quả to lớn trong buổi tổng kểt năm nay.
Tấm áo của em đã “nghỉ hưu” rồi là như vậy đấy. Chỉ vì em nên áo chóng hỏng. Tấm áo mẹ may cho em đây là chiếc áo thứ mấy? Rút kinh nghiệm lần trước em sẽ giừ gìn cẩn thận cho áo bền, đẹp lâu hơn. Em sẽ mặc chiếc áo ấm để tới lớp thật đều, học cho thật giỏi để đền đáp công ơn cha mẹ. Chính cha mẹ em cũng như bao nhiêu người chiến sĩ khác đã chiến đấu một mất một còn với giặc cho em được học hành yên ổn dưới mái trường thân yêu. Còn mẹ em thì tận dụng từng mảnh vải để may thành những chiếc áo em mặc ấm qua mùa đông giá lạnh và những tấm áo xinh xắn ấy đã giúp em nhớ lại những kỉ niệm về đời mình.
ĐÀO VĂN NHÂN
(Học sinh trường PTCS Nga Thuý - Nga Sơn - Thanh Hoá)
Tuần 10. Cộng hai số thập phân. Tổng nhiều số thập phân
Môi trường và tài nguyên
Chương 1. Ôn tâp và bổ sung về phân số. Giải toán liên quan đến tỉ lệ. Bảng đơn vị đo diện tích
Bài tập cuối tuần 13
Tuần 17: Luyện tập chung