28/12/2023
28/12/2023
28/12/2023
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn, là chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết nhiều về con người Nam Bộ trong chống và chiến đấu, trong những năm chiến tranh ác liệt. “Chiếc lược ngà” là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Ông đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp của tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Kể về mối quan hệ cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Tác giả đã làm nổi bật lên hình ảnh bé Thu – một cô bé đầy cá tính, có tình yêu thương cha thật thắm thiết, mãnh liệt. Nhân vật bé Thu đã gieo vào lòng mỗi người về nỗi đau, sự mất mát và khát vọng yêu thương của tuổi thơ.
Nhân vật bé Thu được khắc họa trong một tình huống truyện thật độc đáo, sau tám năm dài xa cách, ngày hội ngộ bé Thu đã không chịu nhận ông Sáu là ba. Bé Thu còn có những phản ứng quyết liệt, xa lánh ông Sáu, thậm chí là biểu hiện vô lễ với ông. Nhưng bất ngờ đến lúc chia tay, bé Thu lại cất tiếng gọi ba cùng với những cử chỉ quyến luyến, không muốn xa ba. Những biểu hiện của bé Thu đã làm cho mọi người xung quanh phải xót xa, thương cảm cho một đứa bé sống trong chiến tranh thiếu vắng tình cha con. Có lẽ ai trong chúng ta khi đọc tác phẩm cũng đều không thể quên được hình ảnh của bé Thu vừa ương bướng, hồn nhiên, đáng yêu, vừa có tình yêu thương cha thắm thiết.
Tưởng chừng như tình cảm cha con không thể nối kết được nhưng khi Thu được nghe bà ngoại giải thích nguyên nhân vết sẹo trên má ông Sáu thì bé Thu hoàn toàn thay đổi thái độ, từ xa lánh nó lại khao khát được gần gũi, từ hờn giận nó chuyển sang yêu kính, tự hào. Trước lúc ông Sáu đi xa, tình cảm thiêng liêng giữa con với cha bỗng cháy bùng lên. Vết sẹo trên mặt ba nó là vết tích chiến tranh bị Tây bắn, vết thương chắc làm ba nó đau đớn lắm, thái độ lạnh lùng, xa cách của nó trong mấy ngày nay chắc làm ba nó đau lòng lắm. Nó đã gây ra vết sẹo trong trái tim của người cha. Cho nên trong buổi chia tay, nó đứng lặng lẽ ở góc nhà hướng về người cha với vẻ mặt “sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của bé trông rất dễ thương”, ấy chắc là có biết bao xúc động, ý nghĩ, tình cảm. Khi ông Sáu khoác ba lô lên đường, nói lời từ biệt, tiếng kêu ba của bé Thu vang lên chất chứa sự hối lỗi “Ba… a… a… ba !”, tiếng kêu xé lòng, “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa” cùng cử chỉ nhảy thót lên, ôm chặt lấy cổ ba, “hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết sẹo dài trên má của ba nó nữa”. Đó là biểu hiện tình yêu ruột thịt nồng nàn của đứa con đối với cha, bé Thu muốn chuộc lại lỗi lầm và muốn thỏa tình cảm nhớ thương sau tám năm xa cách. Và khi nghe ông Sáu hứa hẹn “Ba đi rồi ba về với con” thì cô bé lại hét lên “Không !”, hai tay nó xiết chặt lấy cổ ba nó, rồi nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Những dòng chữ trong câu chuyện đến đây chắn đã làm xốn xang trái tim bao bạn đọc. Mọi người lặng đi, con tim thổn thức, dường như nước mắt không thể chảy ra được mà chỉ có thể chảy ngược vào tim. Thương cho bé Thu trong cảnh ngộ éo le, tình yêu thương cha của bé Thu dường như đã xóa đi vết sẹo trong trái tim của người cha, để lại niềm vui trong hành trang người chiến sĩ khi ông Sáu lên đường. Tình cảm cha con thật thiêng liêng, vượt lên sự hủy diệt của chiến tranh.
Tình huống truyện kịch tính giữa không nhận và nhận ba là cả một quá trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Nhưng thông qua đó, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, vô tư và cả sự ương ngạnh, đáng yêu nhất là tình cha con thắm thiết. Kết hợp với phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm… Tác giả đã khắc họa nhân vật bé Thu là một đứa trẻ điển hình cho biết bao đứa trẻ trong chiến tranh phải trải qua những đau thương, mất mát, phải sống trong những năm dài xa cách người thân. Qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, ta có thể thấy Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý trẻ thơ.
Nhân vật bé Thu đã để lại một dấu ấn đậm nét trong tâm hồn của bạn đọc. Càng yêu thương bé Thu bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy căm ghét chiến tranh bấy nhiêu. Chúng ta cần biết quý trọng những mất mát to lớn mà các thế hệ đi trước đã hy sinh cho cuộc sống hôm nay. Để đáp lại tình cảm, sự hy sinh ấy chúng ta phải cố gắng học tập để góp phần xây dựng cuộc sống này ngày càng tươi đẹp.
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
Top thành viên trả lời