19/02/2024
19/02/2024
Chắc hẳn Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả không hề xa lạ đối với chúng ta. Ta biết đến ông nhờ những câu chuyện ông viết, nhờ những lời văn hết sức mộc mạc chạm đến trái tim bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông đến với nền văn học nghệ thuật Việt Nam như một làn gió mang nhiệt huyết, màu sắc của tuổi trẻ, tuổi học trò. Vậy nên ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất trong công cuộc viếc sách cho tuổi thơ, tuổi xuân xanh. Mỗi tác phẩm như thổi vào tâm hồn người đọc một luồng gió mới. Chính vì thế mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh phát hành sách mới đều nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ độc giả. Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Nhật Ánh: Đi qua hoa cúc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thằng quỷ nhỏ, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Bồ câu không đưa thư, Mắt biếc, Tôi là Bêtô,.... Với riêng bản thân tôi, tôi đã từng đọc rất nhiều cuốn sách hay của ông, nhưng có lẽ cuốn khiến tôi nhớ mãi đó là "Mắt biếc".
Cuốn sách viết về hai nhân vật Ngạn và Hà Lan, là những đứa trẻ bên nhau từ thời cởi truồng tắm mưa cho đến khi lớn. Một ngày nọ, Hà Lan phải lên thành phố học, còn Ngạn thì vẫn gắn bó nơi quê hương, nơi mà hai đứa trẻ ấy đã có biết bao kỉ niệm. Những tưởng Hà Lan sẽ cảm thấy lạc lõng, sẽ cô đơn khi thiếu Ngạn, nhưng ngược lại, Hà Lan đã nhanh chóng hoà vào chốn phồn hoa đô thị ấy. Hà Lan và Ngạn đã cùng nhau lớn lên, cùng nhau gắn bó với chốn làng quê vốn mộc mạc, thế nhưng hai nhân vật như tồn tại ở hai thế giới khác nhau. Ngạn vốn là một người nhút nhát, rụt rè, sống nội tâm và chẳng có gì nổi bật. Trái lại, Hà Lan mang danh cô gái miền quê xa xứ nhưng lại đặc biệt mến thương chốn xa hoa thị thành. Cô dường như được sinh ra để dành trọn tình yêu cho những gì đẹp đẽ ở thành phố, nơi mà Lan lần đầu tiên đi học đã quay về miêu tả rằng “đó là nơi huyền ảo, đẹp lung linh gấp trăm lần quê mình”. Ngạn thích những gì cổ điển, những gì rụt rè, những gì âm thầm, những mối tình câm, ý tại ngôn ngoại. Ngạn thì vẫn âm thầm nuôi tình cảm với Lan, nhưng Lan thì lại đem lòng yêu say đắm chàng Dũng mất rồi. Nhưng cuối cùng, Hà Lan có Trà Long nhưng Dũng không ở cạnh cô. Những năm tháng khó khăn khi có Trà Long, Ngạn là người luôn ở bên chăm sóc, yêu thương cô. Thế mới cảm nhận được, tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan lớn đến nhường nào. Trà Long sau này là hiện thân của Hà Lan ngày trước, cô bé mang vẻ thơ ngây và cũng rất yêu quê hương. Ngạn nhận ra rằng mình đã có tình cảm với Trà Long, mong ngóng Trà Long học sư phạm ở thành phố trở về. Nhưng kết thúc lại khiến cho người đọc như rơi vào hố sâu buồn thẳm, Ngạn nhận ra mình chỉ yêu một mình Hà Lan mà thôi, hình ảnh Trà Long chỉ là gợi nhớ thoáng qua nên anh quyết định bỏ đi.
Tác phẩm đề cập tới vấn đề muôn thuở của tình cảm cảm xúc con người đó là tình yêu. Đặc biệt hơn là tình yêu trong “Mặt Biếc” không là tình yêu đôi lứa êm đềm, ấm áp trong những ngày tháng xuân xanh mà đó là thứ tình yêu của kẻ si tình, tình yêu chân chính, giản dị, thủy chung, trong sáng nhưng vô cùng bi lụy. Đọc “Mắt Biếc” của Nguyễn Nhật Ánh bạn đọc chúng ta dường như đắm mãi trong nội tâm đầy mâu thuẫn với những thổn thức tâm tư hết sức bình dị mà sâu sắc của nhân vật Ngạn với cô bạn Mắt Biếc. Đi vào sâu vào tâm hồn mẫn cảm của Ngạn ta bắt gặp thế giới mới, thế giới tràn ngập tình thương sự thấu hiểu với bao những xúc cảm mới mẻ của nhân vật chính với Hà Lan, với ngôi làng Đo Đo thân thương của mình hay với chính cuộc đời của anh. Nhịp tim bắt đầu rung lên những cảm xúc mãnh liệt nhất trong những giây phút đầu gặp mặt Hà Lan. Và tần số tình yêu của Ngạn đối với Hà Lan bao giờ cũng rạo rực như lúc ban đầu. Tôi luôn chấp niệm rằng thích một bông hoa ta sẽ ngắt nó đi mang về nhà ngắm nghía còn yêu một bông hoa thì ta sẽ tận tâm săn sóc chứng kiến nó lớn lên mỗi ngày. Và dường như Ngạn yêu Hà Lan với tình yêu thuần khiết mạnh mẽ như trong trái tim của Ngạn luôn đốt cháy ngọn lửa tình yêu bất biến dành cho Hà Lan. Mặc dù cuộc đời của Hà Lan nhiều bi kịch, mặc cho Hà Lan qua lại với nhiều người đàn ông hay sự thay đổi đột ngột đến chóng mặt sau những ngày ở thành phố trở về, mặc cho Hà Lan không còn lưu luyến chốn cũ nơi xóm làng Đo Đo thân thương hay không chấp nhận tình cảm mà anh dành cho Hà Lan thì trong Ngạn vẫn luôn chấp niệm một điều bất biến rằng: “Trái tim nhỏ bé chỉ đủ chỗ cho một tình yêu duy nhất”. Và anh mang nặng tình yêu ấy khiến cho cuộc sống của anh không khác gì “chốn lưu đày, khiến anh phải mang vác nó như một lời nguyền của số phận”. Và tất nhiên với những con người nhạy cảm như Ngạn họ luôn mang trong mình một “bể khóc” thấm đẫm những giọt nước mắt gắn với những kỉ niệm vui buồn thuở thơ ấu ở làng Đo Đo hay chính những kí ức cùng Mắt Biếc. Tình yêu nồng nàn của Ngạn không có lời đáp của Hà Lan khiến cho ta ngỡ ra rằng tình yêu không chỉ là hạnh phúc mà nó còn mang trong đó là những thổn thức đau đáu trong tâm hồn của con người. Dù cho tình yêu ấy luôn dày vò tâm can của Ngạn thế nhưng anh vẫn một lòng một dạ yêu Mắt Biếc và tình yêu ám ảnh quay cuồng trong tâm trí anh. Nó mờ ảo như kéo anh vào thế giới mộng tưởng mỗi khi nhìn Trà Long, anh luôn giấy lên trong mình những xúc cảm thuở xưa như khi anh nhìn Mắt Biếc. Qua đó ta có thể thấy rõ được tình yêu hết sức chân thành, thuần khiết tuy có phần cuồng si nhưng đều có thể thấu rõ được thế giới tâm hồn hết sức mẫn cảm phong phú, đặc biệt là những xúc cảm đến nao lòng dường như chẳng thể định nghĩa của nhân vật Ngạn khi đem lòng thương một người.
Tác phẩm “Mắt Biếc” còn được Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm một vấn đề đáng suy ngẫm đó là việc hướng về nguồn cội. Và nhà văn đã ký thác điều đó trong nhân vật Ngạn bởi lẽ “Ngạn là hóa thân của cội nguồn quê xứ”-Nguyễn Nhật Ánh-. Thật vậy, ngôi làng Đo Đo là nơi cất giữ mọi kỷ niệm thời ấu thơ của Ngạn với Hà Lan, nơi luôn âm thầm nuôi nấng, săn sóc thế giới tinh thần của người con mảnh đất Đo Đo . Sau khi hoàn thành tốt nghiệp tại kinh đô Huế, anh trở về nơi chốn đất người để dạy học, xây dựng quê hương. Anh yêu ngôi làng Đo Đo của mình lắm! Cũng bởi làng có hình bóng của anh thời ấu thơ, có hình bóng của Mắt Biếc trong những ngày tháng trong sáng thuần khiết nhất của hai người, có kỉ niệm thơ ấu và có cơ hội hồi tưởng về những kí ức hồn nhiên của ngày xưa. Đó cũng là lý do khi rời thành phố Ngạn nói với Hà Lan rằng: “Làng Đo Đo là tất cả của Ngạn” chính câu nói đã minh chứng cho tình yêu thương làng của nhân vật Ngạn đậm sâu đến nhường nào.
Thông qua cuốn sách này, tác giả muốn hướng tới đối tượng là các bạn trẻ đang có những tình cảm đầu đời còn đang bỡ ngỡ. Bạn có thể yêu hết mình, nhưng cũng phải dứt khoát được. Yêu được, buông được. Để bản thân tìm tới cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Không nên trói buộc mình vào một chuyện tình cảm không thuộc về mình. Yêu người nhưng cũng phải biết yêu lấy chính bản thân mình.
Nếu bạn muốn hỏi bài tập
Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút
CÂU HỎI LIÊN QUAN
7 giờ trước
Top thành viên trả lời