Từ xưa đến nay, bất kể thời đại nào thì câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn luôn là kim chỉ nam cho giáo dục Việt Nam. Câu nói này có ý nghĩa rằng trước khi học chữ, học kiến thức thì phải học cách làm người. Từ đó để thấy được vai trò và tầm quan trọng của đạo đức trong đời sống con người. Đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.
Đạo đức là những nguyên tắc, quy định chuẩn mực ứng xử giữa con người với con người trong xã hội. Đạo đức là thước đo giá trị của một con người. Thế hệ trẻ là tập thể thanh thiếu niên, những mầm non tương lai của đất nước. Họ là những người đang ở lứa tuổi đẹp nhất, tràn đầy nhiệt huyết nhất, dám nghĩ dám làm. Chính vì vậy, họ cần có một nền tảng đạo đức vững chắc để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thế hệ trẻ hiện nay phần lớn đều rất hiếu thảo, ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ. Trong học tập, họ luôn cố gắng phấn đấu đạt thành tích cao, trở thành con ngoan trò giỏi. Ngoài ra còn rất nhiều bạn trẻ tài năng khác đã mang lại vinh quang cho tổ quốc bằng chính sức lực của mình như: vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 huy chương vàng tại Seagame 2015, hoa hậu H’Hen Niê lọt top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ 2017… Những hành động đẹp như: giải cứu bé gái bị mắc kẹt trong hầm, cứu cụ bà thoát nạn trong đám cháy cũng được thực hiện bởi các bạn trẻ. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề tiêu cực. Một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên sa đà vào các tệ nạn xã hội: ma túy, cờ bạc, trộm cắp... Hoặc có lối sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ cá nhân. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Vậy điều gì dẫn đến sự trái ngược trên? Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ gia đình và nhà trường. Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người. Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ được ông bà, cha mẹ dạy cách ăn nói, cư xử sao cho đúng mực. Nhà trường lại có vai trò cung cấp tri thức, lý thuyết cho học sinh. Không chỉ vậy, nhà trường còn phối hợp với gia đình để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ngoài ra, một số bạn trẻ có suy nghĩ sai lệch do tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Nó khiến giới trẻ nghĩ rằng hành vi bạo lực, sử dụng ngôn từ tục tĩu mới là "chất chơi", "mốt". Dần dần gây nên tâm lý chạy theo trào lưu, mất bản thân.
Hậu quả của việc suy thoái đạo đức, lối sống ở thế hệ trẻ là vô cùng nghiêm trọng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, dạy dỗ sẽ dẫn đến tình trạng bỏ bê học hành. Thậm chí là phạm tội khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội sau này. Để khắc phục tình trạng trên, trước hết mỗi gia đình hãy quan tâm hơn đến con em của mình. Thường xuyên trò chuyện, tâm sự với con để hiểu rõ hơn suy nghĩ của con. Bên cạnh đó, nhà trường cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với những học sinh có tư tưởng, hành vi lệch lạc. Cuối cùng là tự bản thân mỗi người hãy có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh.
Như vậy, việc rèn luyện đạo đức, lối sống là vô cùng cần thiết đối với thế hệ trẻ. Mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, giàu đẹp, có nền tảng đạo đức vững chắc.