Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm. Và khi đó, mỗi người có một cách xử lí riêng, trong đó có hai cách phổ biến nhất là biết nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác. Vậy theo bạn, chúng ta nên chọn cách nào?
Đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu xem thế nào là nhận lỗi và đổ lỗi. Nhận lỗi là hành động tự giác thừa nhận những sai sót, thiếu sót, va vấp của mình trong công việc cũng như trong cuộc sống. Người biết nhận lỗi là người dũng cảm, có ý thức trách nhiệm cao với hành vi của bản thân, được mọi người yêu quý, tin tưởng và tôn trọng. Ngược lại với nhận lỗi là đổ lỗi - hành động cố tình chối bỏ lỗi lầm của bản thân bằng cách đẩy trách nhiệm cho người khác. Những kẻ hay đổ lỗi thường rất khôn lỏi, ranh mãnh, thủ đoạn, vì vậy mà họ bị ghét bỏ, xa lánh.
Vậy tại sao chúng ta phải chọn nhận lỗi thay vì đổ lỗi? Trong cuộc sống, không ai có thể khẳng định rằng bản thân chưa từng phạm lỗi cả. Mỗi lần mắc lỗi, nếu chúng ta biết nhận khuyết điểm, chắc chắn sẽ được mọi người thông cảm, giúp đỡ để sửa sai. Dần dần, ta sẽ rèn luyện được đức tính tốt đẹp khác như kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ,... Ngược lại, nếu cố tình chối bỏ lỗi lầm, ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ lên được. Thậm chí, hành động đổ lỗi còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tập thể, cộng đồng. Chắc hẳn các bạn đều biết đến vụ việc bác sĩ phẫu thuật nhầm chân cho bé gái 6 tháng tuổi hồi tháng 7 vừa qua. Theo thông tin trên mạng, do quá nóng vội hoàn thành chỉ tiêu phẫu thuật xương khớp, các y bác sĩ đã cùng lúc mổ nhầm chân cho cả hai bé sinh đôi mới 6 tháng tuổi. Khi sự việc vỡ lở, thay vì nhận lỗi và khắc phục hậu quả thì phía bệnh viện lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, thậm chí còn phủ nhận chuyện này. Hành động vô trách nhiệm ấy khiến dư luận hết sức phẫn nộ, uy tín của bệnh viện bị giảm sút nghiêm trọng. Còn đối với cá nhân, nếu luôn có thói quen đổ lỗi, bạn sẽ khó nhận được sự tin tưởng từ mọi người xung quanh. Từ đó, bạn sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội đáng quý để phát triển và hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ cố chấp nhận lỗi trong mọi trường hợp. Bởi lẽ, trong cuộc sống vẫn tồn tại những lỗi lầm thực sự không phải do ta gây ra. Chẳng hạn như trong một nhóm học tập, nếu ta quên làm bài tập về nhà thì dĩ nhiên lỗi nằm ở ta. Nhưng giả sử, cả nhóm quên làm bài tập về nhà vì không ai nhắc nhở lẫn nhau, thì rõ ràng đây không còn là lỗi của riêng ai nữa rồi. Lúc này, nếu vẫn cố gắng nhận lỗi thì thật là khiên cưỡng. Do đó, chúng ta cần phân biệt rõ ràng đúng sai trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tóm lại, nhận lỗi là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần rèn luyện. Bởi lẽ, nó chính là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra cánh cổng thành công cho tất cả chúng ta.