Xuân Diệu là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ Mới" (Hoài Thanh). Ông luôn mang đến những điều bất ngờ cho người đọc bởi cách sử dụng ngôn từ độc đáo cùng tư tưởng tiến bộ vượt bậc. Trong đó, tác phẩm tiêu biểu phải kể đến Vội Vàng. Bài thơ như tiếng lòng của Xuân Diệu trước cuộc đời rộng lớn, ông khao khát được hòa mình vào thiên nhiên đất trời, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Khát vọng ấy được thể hiện rõ nét qua khổ thơ thứ ba của bài. Trái ngược hoàn toàn với quan niệm của các nhà thơ xưa, Xuân Diệu lại có lối suy nghĩ rất riêng, rất táo bạo. Với ông, tuổi trẻ chỉ đẹp khi còn xuân, khi vạn vật đang ở độ tươi non mơn mởn. Thế nhưng thời gian thì vô hạn mà đời người hữu hạn, tuổi trẻ cũng sẽ đi qua theo quy luật tự nhiên. Bởi vậy, ông luôn trân trọng từng phút giây được sống, được cống hiến hết mình cho đời. Và hơn hết, ông muốn lưu giữ tất cả mọi khoảnh khắc dù là ngắn ngủi nhất bằng trái tim dạt dào cảm xúc:
Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn; Ta muốn riết mày đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều và non nước, Và non nước, và cây, và cỏ rạng, Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi; - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Đoạn thơ trên nằm trong phần thể hiện niềm ham sống mãnh liệt của thi sĩ. Ở đây, Xuân Diệu đã bộc lộ trực tiếp ước muốn của bản thân thông qua hàng loạt động từ mạnh: "ôm", "riết", "say", "thâu", "cắn". Đây đều là những hành động cụ thể nhằm diễn tả khát khao giao cảm với đời của tác giả. Nhà thơ muốn ôm trọn "sự sống mới bắt đầu mơn mởn"; muốn thu hết mây đưa và gió lượn, cánh bướm tình yêu vào lòng; muốn thâu tóm "non nước, và cây, và cỏ rạng". Tất cả những mong muốn ấy đều xuất phát từ nỗi sợ hãi thường trực về thời gian. Tuổi trẻ rồi sẽ trôi qua, vạn vật cũng không thể mãi tươi xanh. Vậy nên, Xuân Diệu muốn chạy đua với thời gian, muốn níu kéo và tận hưởng trọn vẹn hương vị của cuộc đời.
Khao khát cháy bỏng ấy càng được thể hiện rõ nét hơn qua hình ảnh "xuân hồng". Nếu như trong thơ xưa, mùa xuân là nơi hội tụ của vẻ đẹp thiên nhiên thì đối với Xuân Diệu, mùa xuân chính là biểu tượng của tuổi trẻ. Nó đem đến sức sống tươi mới cho vạn vật, đồng thời khơi dậy những rung động mãnh liệt trong tâm hồn con người. Chính vì thế, nhà thơ muốn "cắn" vào "xuân hồng" để tận hưởng trọn vẹn hương vị ngọt ngào của nó. Hành động có phần táo bạo này đã khẳng định tình yêu tha thiết của Xuân Diệu dành cho cuộc đời.
Bên cạnh việc sử dụng hệ thống động từ phong phú, đa dạng, Xuân Diệu còn vận dụng nghệ thuật điệp ngữ kết hợp với phép liệt kê nhằm nhấn mạnh ước muốn chiếm lĩnh thiên nhiên, vũ trụ của nhân vật trữ tình. Đồng thời, việc lặp lại liên tục các cụm từ "ta muốn" đã tạo nên nhịp điệu dồn dập, gấp gáp, khiến câu thơ trở nên sôi nổi, cuồng nhiệt. Có thể nói, khổ thơ thứ ba của bài Vội Vàng đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu cuộc sống tha thiết của Xuân Diệu. Từ đó, chúng ta thêm trân trọng những vần thơ giàu cảm xúc mà ông đã gửi gắm.