Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có rất nhiều mối quan hệ xã hội và việc xây dựng các mối quan hệ ấy trở nên tốt đẹp là điều vô cùng cần thiết. Một trong những kỹ năng để duy trì được mối quan hệ đó chính là biết lắng nghe. Lắng nghe không chỉ đơn thuần là nghe mà còn hiểu được nội dung câu chuyện cũng như cảm xúc của đối phương khi chia sẻ. Kỹ năng này sẽ giúp cho mọi người gần gũi nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn.
Lắng nghe là sự tập trung vào lời nói của người khác bằng thái độ tôn trọng, đồng cảm và thấu hiểu. Đó là cả một nghệ thuật giao tiếp bởi vì khi lắng nghe, chúng ta phải thực sự chú tâm đến câu chuyện của họ, đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu được nỗi niềm mà họ muốn giãi bày. Khi lắng nghe, chúng ta cần có thái độ tích cực, tránh ngắt lời hoặc phán xét họ. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân, được chia sẻ và nhận được sự đồng cảm. Nếu chúng ta lắng nghe họ thì sẽ khiến họ hài lòng, vui vẻ và cảm thấy được an ủi, được yêu thương. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên sẽ ngày càng khăng khít hơn.
Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều tấm gương đáng khen ngợi khi họ biết lắng nghe người khác. Tiêu biểu như chương trình "Điều ước thứ bảy" của Đài truyền hình Việt Nam. Ở đây, những người dẫn chương trình luôn tạo ra một không khí thoải mái nhất để nhân vật chính có thể tự do kể lại câu chuyện của mình. Nhờ vậy, khán giả mới hiểu rõ hoàn cảnh và có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề đang xảy ra. Hay như trong gia đình, cha mẹ thường dành thời gian để trò chuyện với con cái sau một ngày đi học, đi làm mệt mỏi. Điều đó vừa giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên, vừa giúp mọi người giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, ở trường học, thầy cô giáo luôn khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến, đưa ra quan điểm cá nhân. Việc làm này không chỉ nâng cao tinh thần dân chủ mà còn thúc đẩy quá trình tư duy, sáng tạo của học sinh.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ những người không biết lắng nghe. Họ chỉ biết nói lên quan điểm của mình chứ không hề quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Những người này thường ích kỷ, hẹp hòi, thiếu sự đồng cảm và thấu hiểu. Hoặc thậm chí, có những người lợi dụng sự tin tưởng của người khác để thực hiện mưu đồ của mình. Chẳng hạn như các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chúng thường dùng lời ngon tiếng ngọt để lấy được lòng tin của nạn nhân rồi sau đó dụ dỗ họ đầu tư vào một dự án nào đó. Do quá nhẹ dạ cả tin và không chịu lắng nghe lời khuyên can của người khác nên nhiều người đã rơi vào bẫy của bọn chúng.
Tóm lại, lắng nghe là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần rèn luyện. Chúng ta hãy cố gắng trau dồi kỹ năng này để có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp hơn.