Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc nhưng thành công nhất vẫn là lĩnh vực thi ca. Ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Bài thơ Tây Tiến được coi là kiệt tác trong cuộc đời thơ ca của Quang Dũng và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm đã khắc họa thành công sự hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Đặc biệt, ở khổ ba của bài thơ, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên thật chân thực: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành" Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Trước hết, đó là vẻ đẹp bi tráng toát ra từ cái nhìn đầy gian khổ, khó khăn mà họ phải trải qua: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá giữ oai hùm". Hai câu thơ đầu tiên gợi cho ta thấy được hoàn cảnh sống vô cùng thiếu thốn, khó khăn của người lính Tây Tiến. Họ phải sống trong rừng núi hoang vu, hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt nên ốm đau, bệnh tật triền miên. Những cơn sốt rét rừng đã khiến cho mái tóc của các anh không thể mọc được. Còn màu xanh của lá chính là màu của áo quần, da dẻ. Dù khó khăn, gian khổ đến thế nào thì tâm hồn của họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Họ vẫn tự trào một cách vui tươi, dí dỏm trước hoàn cảnh của mình. Tiếp theo, hai câu thơ sau đã khắc họa vẻ đẹp hào hùng, lẫm liệt của người lính Tây Tiến: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" Hai chữ "mắt trừng" gợi cho ta thấy được ý chí quyết tâm đánh giặc của người lính Tây Tiến. Đôi mắt ấy đang hướng về biên giới nơi có kẻ thù xâm lược, đôi mắt ấy như muốn thiêu đốt quân địch. Trong tâm trí của họ lúc nào cũng thường trực nỗi nhớ quê hương, nhớ Hà Nội. Ở đây, Quang Dũng đã sử dụng thủ pháp đối lập. Đối lập giữa giấc mơ và hiện thực, giữa mộng và mơ. Hiện thực là những gian nan, vất vả, hiểm nguy còn mộng và mơ là những hình bóng thân thương, là tình cảm gia đình ấm áp. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh để người lính Tây Tiến vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Cuối cùng, vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến còn được thể hiện ở sự hi sinh anh dũng của họ: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành" Bốn câu thơ cuối đã tái hiện lại sự hi sinh của người lính Tây Tiến bằng bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn. Đó là sự hi sinh nhẹ nhàng, thanh thản vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc. Các anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, khi ước mơ, khát vọng còn dang dở. Nhưng các anh ra đi trong tư thế hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Sự hi sinh của các anh đã được thiên nhiên, đất mẹ bao bọc, che chở. Dòng sông Mã đã cất lên tiếng khóc tiễn đưa các anh về với đất mẹ thân yêu. Tóm lại, khổ thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng.