. Trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Bản sắc văn hoá dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hoá, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hoá dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hoá bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý... của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn có mặt tiêu cực của nó đó là nguy cơ xói mòn, phai nhạt và biến dạng hệ thống giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc, sự du nhập của lối sống tư sản, suy giảm thuần phong mĩ tục, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Để khắc phục những hạn chế nêu trên và phát huy những mặt tích cực, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau: Một là, nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi đây là công việc quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; chú trọng công tác giáo dục truyền thống, nhất là cho thanh niên, thiếu niên. Hai là, kế thừa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hòa hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, văn hóa giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tích cực của văn hóa tiên tiến nước ngoài. Ba là, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trên nền tảng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", tôn trọng quyền làm chủ của công dân, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, ý thức chấp hành pháp luật; giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, nhà trường, cộng đồng đến xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực nuôi dưỡng đời sống văn hóa với kiên quyết chống các biểu hiện của lối sống phi văn hóa, lai căng, kỳ dị. Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở từng cấp, từng địa phương trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.