Trong suốt cuộc đời của mình, con người luôn phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Song, để có thể đứng vững trước những sóng gió ấy, chúng ta cần phải tích lũy cho mình thật nhiều bài học. Một trong số những bài học ấy đã được Elbert Hubhard khẳng định: “Kinh nghiệm là thầy dạy tốt nhất của chúng ta, nhưng nó chỉ dạy cho những ai biết tự học”.
Câu nói này của ông đã khẳng định vai trò của kinh nghiệm trong cuộc sống. Vậy kinh nghiệm là gì? Đó là sự tích lũy kiến thức, kĩ năng của con người qua những lần trực tiếp làm hoặc gián tiếp chứng kiến, qua những lần thất bại hay thành công. Còn “thầy” là người dạy dỗ, chỉ bảo cho chúng ta những điều bổ ích, điều hay lẽ phải. Như vậy, câu nói đã khẳng định rằng kinh nghiệm là người thầy tốt nhất của con người, song chúng ta chỉ học được những kinh nghiệm quý báu ấy nếu ta biết chủ động học tập, nghiên cứu, khám phá.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có những kinh nghiệm riêng biệt, tuy nhiên, có những kinh nghiệm được đúc rút từ những người đi trước, từ xã hội sẽ mang tính chất tổng quát hơn, đúng đắn hơn, giúp ích cho con người trong nhiều trường hợp. Có thể nói, nhờ có kinh nghiệm, con người sẽ nhanh chóng trưởng thành, hoàn thiện cả về tư duy lẫn thái độ, từ đó làm nền tảng để đạt được những mục tiêu, dự định. Chẳng hạn, nhà bác học Thomas Edison nổi tiếng với rất nhiều sáng chế mang lại muôn vàn lợi ích cho nhân loại. Tuy nhiên, ít ai trước đó biết rằng ông từng trải qua cả ngàn lần thất bại trước khi tìm ra vật liệu làm ra bóng đèn nổi tiếng. Nếu không có những lần thất bại ấy, chắc chắn Thomas Edison sẽ không thể tìm ra được kinh nghiệm quý giá để có thể sáng chế ra bóng đèn – một phát minh vô cùng quan trọng của loài người. Cũng từ kinh nghiệm của bản thân Thomas Edison, con người có thể rút ra bài học về sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, kể cả khi gặp thất bại.
Tuy nhiên, kinh nghiệm không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp. Chúng ta vẫn cần phải dựa vào thực tiễn, vào lí thuyết để đánh giá tính đúng sai của những kinh nghiệm đã được đúc rút. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tránh lối học vẹt, học tủ, học một cách máy móc, thụ động. Mỗi người cần chủ động tìm kiếm, khám phá những chân trời tri thức mới để có thể rút ra được những kinh nghiệm quý báu, làm tiền đề cho những vấn đề khác.
Có thể thấy, kinh nghiệm là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của con người. Bản thân mỗi người cần phải rèn luyện cho mình tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng đối mặt với những vấp ngã để có thể rút ra những bài học quý báu cho bản thân. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải biết kết hợp giữa kinh nghiệm và lí thuyết để có thể giải quyết mọi vấn đề một cách hiệu quả nhất.
Như vậy, câu nói của Elbert Hubhard đã đem đến cho chúng ta những bài học quý báu. Hãy luôn nhớ rằng, kinh nghiệm là một người thầy tốt, song chúng ta cần phải biết tự học, tự trau dồi để biến những kinh nghiệm ấy thành của riêng mình. Chỉ có thế, chúng ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách và tiến tới thành công.