Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm đã gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương. Thơ của ông thời đánh Mĩ cũng thường viết về cuộc sống, chiến đấu của con người trên vùng đất Huế. Người đọc yêu thơ của Nguyễn Khoa Điềm bởi những xúc cảm dồn nén, những chiêm nghiệm triết lí được truyền tải qua hình ảnh thơ giàu sức gợi, ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị,...Bài thơ “Mẹ và quả” rút trong tập thơ cùng tên, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm.
“Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh “những mùa quả”, đó có thể là những vườn cây trái ở vùng quê, cũng có thể là những mùa quả đời người, những mùa quả của đất trời, tất cả đều được vun xới từ đôi bàn tay của người mẹ. Người mẹ ấy tần tảo, vất vả, lam lũ, cứ âm thầm lặng lẽ chăm chút cho cây cỏ sinh sôi nảy nở, cứ âm thầm chăm lo cho con cái mà chẳng hề đòi hỏi điều gì.
Tác giả đã ví von rằng, những đứa con chính là thứ quả mà mẹ đã vun trồng, bởi công sức, mồ hôi của mẹ đã thấm vào từng quả ngọt trái sai, giống như “giọt mồ hôi mặn” nhỏ xuống mới có được một mùa màng bội thu. Và rồi, những đứa con dần khôn lớn, trưởng thành, khỏe mạnh là nhờ bàn tay chăm bẵm của mẹ.
Trong hai câu thơ:
“Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”
Nhà thơ đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình, đó là nỗi niềm day dứt, xót xa, ân hận khi bản thân còn là “một thứ quả non xanh”. Đó là cảm giác lo lắng khi mình chưa trưởng thành dù đã ngoài tuổi bảy mươi. Qua đó, độc giả cảm nhận được tình cảm yêu thương, kính trọng mà tác giả dành cho người mẹ của mình.
Với giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, dễ khiến cho mỗi người đồng cảm khi đọc bài thơ. Có thể nói, bài thơ “Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm đã góp một tiếng nói trân trọng, yêu thương, biết ơn những người mẹ trước hết là ở những vùng quê Việt Nam.