Trong cuộc sống, con người ta đều có những ước mơ, khát vọng riêng, để biến chúng thành hiện thực, chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều. Một trong những đức tính, phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người cần phải có đó chính là tính kiên nhẫn. Bởi lẽ, nếu không có tính kiên nhẫn thì chúng ta sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng khi gặp khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, ông cha ta đã có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để khuyên nhủ con cháu đời sau.
Câu tục ngữ trên gồm hai vế là “Có công mài sắt” và “có ngày nên kim”. Về vế thứ nhất “Có công mài sắt”, tác giả dân gian đã khẳng định ngay từ đầu câu tục ngữ rằng muốn biến thanh sắt cứng nhắc thành cây kim bé nhỏ thì cần phải có sự cố gắng nỗ lực hết sức, không ngừng nghỉ. Và vế thứ hai “có ngày nên kim” chính là kết quả ngọt ngào sau một quá trình lao động miệt mài. Thanh sát tuy lớn và cứng cáp nhưng với sự cố gắng, kiên trì thì cũng sẽ mài thành cây kim. Như vậy, cả câu tục ngữ muốn khẳng định rằng, chỉ cần có lòng kiên trì, mọi việc lớn hay nhỏ cũng đều có thể vượt qua.
Lời răn dạy được gửi gắm qua câu tục ngữ này vô cùng sâu sắc. Chỉ có lòng kiên trì mới khiến con người ta nhận ra giá trị của bản thân và vươn tới thành công. Khi làm bất cứ việc gì, nếu chúng ta kiên trì, siêng năng, chịu khó thì nhất định sẽ làm thay đổi được số phận của mình. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến Thomas Edison, một nhà bác học lừng danh với nhiều phát minh tiên tiến. Nhưng trước khi trở thành một nhà bác học, ông ấy cũng chỉ là một cậu bé 7 tuổi cầm thước đo điện trở. Để tạo ra pin lưu trữ, ông đã phải thí nghiệm hàng nghìn lần với những cục than chì và dây kẽm dài ngắn khác nhau. Nếu không có lòng kiên trì, liệu Edison có thể trở thành thiên tài như chúng ta biết ngày nay?
Đối với một học sinh, lòng kiên trì còn thể hiện ở chỗ giải một bài toán khó, không hiểu thì không bỏ cuộc mà vẫn cố gắng tìm tòi, hỏi han thầy cô, bạn bè để hiểu được bài. Hay khi đọc một tác phẩm văn học khó thì không được nản chí mà phải kiên trì đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu được nội dung, thấm thía được tư tưởng mà tác giả gửi gắm. Có như vậy thì khả năng học tập của chúng ta mới ngày càng tiến bộ.
Bên cạnh đó, lòng kiên trì còn giúp con người tôi luyện những phẩm chất tốt đẹp khác. Đó là chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó và cả sự sáng tạo nữa. Ngược lại, thiếu kiên trì, con người ta sẽ rơi vào lối sống lười biếng, ỷ lại, phụ thuộc vào người khác. Từ đó dẫn đến nhiều thói xấu như nóng vội, hấp tấp và dễ dàng thất bại.
Để rèn luyện được đức tính kiên trì, chúng ta cần phải bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Hãy lập cho mình một thời gian biểu phù hợp để có thể cân bằng giữa việc học tập, vui chơi và các hoạt động khác. Đồng thời, trong quá trình học tập, khi gặp một vấn đề khó thì không nên bỏ cuộc mà hãy tạm gác lại, thư giãn đầu óc rồi tiếp tục giải quyết vấn đề. Như vậy, vừa không ảnh hưởng đến tinh thần, vừa có thể nghĩ ra phương án tối ưu nhất. Đặc biệt, đối với một học sinh thì việc tự học là vô cùng quan trọng. Ngoài giờ lên lớp, chúng ta có thể dành thời gian để tự học, tự đọc thêm tài liệu và trao đổi với bạn bè, thầy cô khi gặp vấn đề khó. Có như vậy thì kiến thức mới được củng cố vững chắc và đạt được kết quả cao trong học tập.
Như vậy, lòng kiên trì là một đức tính vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Nó chính là chìa khóa để mở ra cánh cổng vàng dẫn đến tương lai tươi sáng. Vì thế, chúng ta hãy luôn trau dồi và rèn luyện đức tính này mỗi ngày để có thể hoàn thiện bản thân hơn nữa.