Mỗi cá nhân chúng ta đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, để hoàn thiện bản thân hơn, chúng ta cần rèn luyện cả những thói quen tích cực lẫn loại bỏ dần thói quen tiêu cực. Một trong những thói quen xấu cần tránh đó chính là không học bài làm bài ở nhà, dẫn tới tình trạng đến trường mới học, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuối cùng.
Hiện nay, tình trạng không học bài làm bài ở nhà, chỉ chú trọng vào việc học thêm quá nhiều diễn ra khá phổ biến ở học sinh các cấp. Thay vì ngồi vào bàn học để ôn lại bài cũ, chuẩn bị bài mới, làm bài tập về nhà, các em lại dành thời gian cho những hoạt động khác như xem tivi, chơi game, lướt mạng xã hội… Bởi vậy, đến giờ kiểm tra, nhiều bạn học sinh rơi vào trạng thái lúng túng, loay hoay không biết làm bài, hay thậm chí là quay cóp, nhìn bài bạn. Đây là một hiện tượng xấu, gây ra nhiều bất lợi cho chính học sinh.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này rất đa dạng, có thể kể đến như sự lười biếng, chủ quan, chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của tự học. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khách quan đến từ phía gia đình, khi bố mẹ quá đặt nặng thành tích, bắt ép con cái học tập quá mức hoặc áp lực trong việc so sánh với “con nhà người ta”. Áp lực từ nhiều phía khiến cho học sinh dễ rơi vào căng thẳng, chán nản, mất động lực học tập.
Để cải thiện tình trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần tự xây dựng kế hoạch học tập hợp lí, dành thời gian tự học khoảng một đến hai tiếng mỗi ngày. Chúng ta nên hình thành thói quen ghi chép, đọc sách bên cạnh việc tiếp nhận tri thức trên trường học. Việc tự giác hoàn thành bài tập về nhà sẽ giúp bạn ghi nhớ kiến thức tốt hơn, đồng thời nâng cao khả năng tự học – một kĩ năng vô cùng quan trọng của học sinh. Thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lí, tránh lãng phí thời gian vào những việc vô bổ như chơi game, lướt mạng xã hội… sẽ giúp chúng ta có được nền tảng tri thức vững chắc.
Mỗi cá nhân có một năng lực tiếp thu khác nhau, chúng ta không nên so sánh bản thân với người khác, mà cần có ý thức tự nhìn nhận đánh giá năng lực của chính mình để đề ra phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả. Sự quan tâm, động viên, sát sao của phụ huynh cũng rất cần thiết để đốc thúc, khuyến khích tinh thần tự giác học tập ở con cái. Tuy nhiên, điều này cần được thực hiện một cách khéo léo, tránh gây áp lực khiến các bạn học sinh thêm căng thẳng, mệt mỏi.
Học tập là nhiệm vụ suốt đời của mỗi con người, không chỉ gói gọn trong quãng thời gian học sinh. Bởi vậy, chúng ta cần hình thành thói quen tự học ngay từ bây giờ để đạt được kết quả tốt và hoàn thiện bản thân từng ngày.