Trong bối cảnh nền giáo dục đang ngày càng phát triển, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Một trong số đó là hiện tượng học tủ, học vẹt của học sinh hiện nay. Đây là một phương pháp học tập không tốt, không mang lại hiệu quả và còn gây ra nhiều hậu quả cho chính bản thân người học.
Học tủ là cách học chọn lọc những kiến thức quan trọng, cần thiết để làm bài tập hay bài thi. Cách học này khá nguy hiểm, nếu như học sinh không tinh ý có thể bỏ sót những kiến thức quan trọng, hoặc dành thời gian quá nhiều vào việc học tủ, mà không chú tâm vào những kiến thức khác. Còn học vẹt là cách học thụ động, chỉ nhớ được những gì thầy cô đã đọc cho nghe mà không hiểu kỹ về nó. Học vẹt là một cách học rất nguy hiểm, chỉ mang lại lợi ích nhất thời và sẽ khiến cho học sinh bị mất gốc, hổng kiến thức.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học tủ, học vẹt của học sinh hiện nay. Trước hết là do áp lực từ phía phụ huynh muốn con em mình học giỏi, đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, chương trình học quá nặng nề, khô khan, cứng nhắc khiến cho học sinh cảm thấy chán nản, áp lực, từ đó tìm đến cách học chống đối để đạt được mục đích. Nhiều giáo viên chưa truyền được cảm hứng cho học sinh, cách xây dựng bài giảng chưa hiệu quả. Một phần, quan trọng không kém là do ý thức của học sinh chưa cao, không xác định được mục đích học tập rõ ràng. Điều này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới việc học tập của học sinh, bởi lẽ khi học tủ, học vẹt, học sinh sẽ không hiểu hết được bản chất của vấn đề, dẫn đến việc không làm được những dạng bài tập mở rộng khác, chỉ áp dụng được vào trường hợp giống hệt bài đã học.
Hiện tượng học tủ, học vẹt không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của học sinh, mà còn gây ra những tác hại khó lường cho chính bản thân họ và cả cộng đồng. Khi học sinh học tủ, học vẹt, tức là họ đang đi theo những lối mòn của người khác, không tạo ra được sự đột phá, sáng tạo. Những kiến thức họ học được sẽ nhanh chóng bị lãng quên vì không được hiểu và thấm nhuần. Việc học tủ, học vẹt sẽ khiến cho học sinh ngày càng lười biếng, ỷ lại, không chịu tư duy. Lâu dần, điều này sẽ khiến cho học sinh ngày càng tụt lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá.
Để khắc phục tình trạng học tủ, học vẹt, cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh. Giáo viên cần truyền được cảm hứng cho học sinh, khơi dậy niềm đam mê khám phá tri thức. Thầy cô cần thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, tạo điều kiện để học sinh được nói lên ý kiến, suy nghĩ của bản thân. Về phía phụ huynh, cần thấu hiểu và đồng cảm với những vất vả của con cái, không nên đặt quá cao áp lực học tập, để con được phát huy năng lực tự nhiên, không bị ép buộc hay gò bó. Quan trọng nhất, mỗi học sinh cần tự giác, chủ động trong việc học tập, xác định mục đích học tập rõ ràng, coi việc học là để trang bị kiến thức cho cuộc sống chứ không chỉ để lấy thành tích.
Mỗi người một hành động nhỏ, cùng góp phần thay đổi nhận thức của những người xung quanh. Hãy để hiện tượng học tủ, học vẹt không còn đất sống trong môi trường giáo dục của chúng ta nữa!