Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh chắc chắn chúng ta sẽ nhớ tới vô vàn những tác phẩm kinh điển gắn liền với tuổi thơ như: Trước vòng chung kết, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,... Mỗi một tác phẩm lại là một màu sắc riêng, tuy nhiên đa phần đều là truyện viết về lứa tuổi mới lớn, thanh thiếu niên, đôi mươi. Với giọng văn dí dỏm, hài hước lại vô cùng dễ thương và gần gũi với cuộc sống thường ngày, mỗi một tác phẩm của nhà văn đều tạo nên sức hút và sự đón nhận nồng nhiệt từ phía độc giả. Và Cây chuối non đi giày xanh cũng là một tác phẩm như vậy.
Truyện kể về hành trình trưởng thành của cậu bé Đăng cùng những người bạn của mình ở quê nội. Là những cô, cậu bé mới lớn, chúng cũng có những lúc cãi vã, giận hờn, nhưng rồi sau tất cả vẫn là sự quan tâm, giúp đỡ, bao dung dành cho nhau. Chúng lấy điện thoại của bố chơi điện tử bị bắt quả tang, tội càng thêm tội khi đó lại là cái điện thoại quý còn hơn vàng mà bố mẹ chắt chiu mua tặng nhân dịp bố được thăng chức. Nhưng thay vì đánh mắng thậm chí là tịch thu điện thoại, bố mẹ chúng lại nhẹ nhàng giảng giải, khuyên nhủ rồi giao cho chúng nhiệm vụ làm việc nhà để kiếm tiền mà mua lại chiếc điện thoại. Qua đó chúng ta thấy được rằng, người lớn trong câu chuyện không hề áp đặt con trẻ vào những khuôn khổ cứng nhắc mà luôn mở rộng lòng mình để thấu hiểu, lắng nghe và đưa ra những định hướng, cách xử lí phù hợp cho con trẻ.
Bên cạnh đó, xuyên suốt tác phẩm cây chuối non đi giày xanh chúng ta còn thấy được những mối quan hệ khác như tình anh em, tình bạn bè, tình hàng xóm láng giềng, tình cảm gia đình. Tất cả đã hòa quyện vào nhau một cách hài hòa để tạo nên một bức tranh về cuộc sống thôn quê dân dã, gần gũi nhưng cũng không kém phần ấm áp.
Có lẽ điều làm nên dấu ấn của tác phẩm này nằm ở chỗ tác giả đã rất khéo léo cài cắm những tình tiết gây cười, hóm hỉnh, nhẹ nhàng và đầy tinh tế. Đó là khi chú tiểu Khôi lém lỉnh xưng anh gọi chị với Đăng mặc dù bằng tuổi, hay là những lần thằng Thàn trèo me ngã chảy máu đùi,... Tuy là một tác phẩm về lứa tuổi mới lớn, thế nhưng Nguyễn Nhật Ánh không quá chú trọng vào những tình tiết drama giật gân, thay vào đó ông tập trung khai thác những vấn đề hết sức giản đơn, gần gũi nhưng lại chứa đựng trong đó rất nhiều những bài học nhân văn vô cùng sâu sắc. Đó là tình yêu thương, lòng nhân ái của con người; là sự chia sẻ, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; là thái độ trân trọng những điều giản đơn, bình dị trong cuộc sống.
Với những giá trị sâu sắc như vậy, Cây chuối non đi giày xanh xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói riêng và của nền văn học Việt Nam nói chung.