Hiện nay, khi xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng là lúc có nhiều vấn nạn xảy ra. Trong đó, vấn đề về lối sống vô cảm, thờ ơ, chỉ nghĩ đến bản thân mình xuất hiện ngày càng nhiều. Đây sẽ là một trong những căn bệnh "ung thư" ăn sâu vào huyết quản của nhân loại nếu không kịp thời ngăn chặn.
Vô cảm không phải là một căn bệnh do virut gây ra, thế những "bệnh vô cảm" lại có một tốc độ lây lan đến chóng mặt trong xã hội mà nhiều người hiện nay đang mắc phải. Vô cảm là sự thờ ơ, không có xúc cảm trước những gì diễn ra xung quanh mình, kể cả trước những đau khổ, bất hạnh của những người xung quanh. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực vô cùng đáng lên án bởi nó đang đi ngược lại với những truyền thống, đạo lý tốt đẹp về tình yêu thương, sự sẻ chia của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Vô cảm vốn chỉ là một trạng thái tâm lý, thế nhưng giờ đây nó lại trở thành một căn bệnh - một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đang len lỏi, xâm nhập vào xã hội hiện đại.
Xã hội ngày càng phát triển mang tới cho con người những sự đầy đủ về vật chất, tinh thần thế nhưng cũng gieo mầm và nảy sinh ra những sự ích kỷ, chỉ biết quan tâm tới việc thỏa mãn bản thân mình. Con người giờ đây chỉ tập trung vào cái tôi mà quên đi mất những lợi ích chung của tất cả mọi người. Bệnh vô cảm có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là khi chúng ta lạnh lùng trước những niềm vui, nỗi buồn của những người xung quanh. Chúng ta coi những sự giúp đỡ người khác là phiền phức, những hoàn cảnh khó khăn là lười biếng, không xứng đáng. Đứng trước những số phận, mảnh đời bất hạnh, thay vì cảm thông, chia sẻ, chúng ta lại thẳng thừng từ chối vì sợ rằng mình sẽ bị liên lụy. Ngày nay, trên mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng thấy được những sự vô cảm đáng sợ của con người. Khi một vụ tai nạn xảy ra, người người đổ xô ra xem, săm soi từng chút một chứ không hề có lấy một sự xót xa, thương cảm với những số phận bất hạnh. Hay khi thấy một em bé bị lạc giữa bến xe buýt đông đúc, chúng ta sẵn sàng chỉ đứng nhìn rồi đưa điện thoại lên quay rồi chờ đợi em bé một mình khóc lóc giữa đám đông chứ không hề quan tâm, hỏi han xem em bé đó là ai, làm sao mà bị lạc tới đây,...
Sự vô cảm không chỉ ảnh hưởng tới nhân cách, phẩm chất của chúng ta mà còn kéo lùi sự phát triển của cả một xã hội. Những người vô cảm sẽ không hiểu được nỗi đau của người khác. Họ sẽ không biết cách đồng cảm, sẻ chia vì họ cho rằng mọi thứ chẳng qua chỉ là bề ngoài. Những hành động giúp đỡ người khác đối với họ là vô bổ, không cần thiết. Dần dần, họ tách mình ra khỏi cộng đồng, trở thành những kẻ lạc loài, bị xa lánh, ghét bỏ. Đã có rất nhiều trường hợp người gặp nạn nhưng khi hô hoán, kêu cứu lại không có lấy một sự giúp đỡ mà chỉ có những thanh niên hóng drama xông vào đánh nhau. Lý do là bởi người gặp nạn không phải người thân, người quen của chúng ta, đánh người khác là sở thích, là đam mê,... Nhìn rộng ra toàn cầu, căn bệnh vô cảm chính là nguyên nhân khiến cho một cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhảy xuống hồ tự tử mà không ai cứu, không ai mảy may quan tâm, khiến cho hàng trăm con người chen chúc, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau mà không hề quan tâm người bên cạnh có thể ngất xỉu và ngã xuống đất bất cứ lúc nào. Căn bệnh vô cảm đã khiến cho con người mất hết đi nhân tính, lạnh lùng, tàn nhẫn, vô lương tâm.
Để loại bỏ căn bệnh vô cảm, mỗi chúng ta cần học tập và rèn luyện về đạo đức, nhân cách. Hãy tạo thói quen quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Ở ngay tại lớp học của mình, chúng ta có thể tuyên truyền, tổ chức các buổi từ thiện, quyên góp ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hãy yêu thương, san sẻ với mọi người xung quanh ngay từ hôm nay để cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình yêu thương hơn.