Trong cuộc sống, bên cạnh những yếu tố vật chất thì yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng; nó có khả năng bồi đắp tâm hồn, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, tạo nên một xã hội nhân văn. Một trong những yếu tố tinh thần cần thiết để xây dựng mối quan hệ đó là sự đồng cảm, sẻ chia. Vì vậy mà có ý kiến cho rằng: “Đồng cảm và sẻ chia là một nếp sống đẹp trong xã hội hiện nay.”
Trước hết, ta cần hiểu đồng cảm và sẻ chia là gì? Đồng cảm là đặt bản thân vào vị trí của người khác để vui với niềm vui và buồn cùng nỗi buồn của họ. Sẻ chia là cho đi, san sẻ với những người bên cạnh, nhất là những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình. Những biểu hiện của sự đồng cảm và sẻ chia có thể thấy rõ trong đời sống hằng ngày. Đó có thể chỉ là một cái nắm tay, một cái ôm thật chặt hay đơn giản là một lời nói an ủi, động viên. Nhưng cũng có những cách thể hiện khác, như việc tham gia các phong trào từ thiện, các quỹ ủng hộ trên truyền hình…
Trong xã hội hiện nay, khi các giá trị văn hóa đang ngày càng bị mai một, thì sự đồng cảm và sẻ chia ấy dường như đã trở thành một nếp sống đẹp. Nó vẫn được gìn giữ và phát huy bởi ít nhất nó đã trở thành một lẽ sống “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Hằng năm, có rất nhiều những chương trình từ thiện được tổ chức nhằm kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những số phận gặp khó khăn, bất hạnh. Ví dụ như chương trình “Cặp lá yêu thương” của đài Truyền hình Việt Nam hay chương trình “Việc tử tế” của đài Truyền hình VTV1… Đó còn là những món quà nhỏ, là chiếc bánh, quyển vở được gói lại cẩn thận gửi tới các bạn ở vùng sâu, vùng xa. Là những bát cơm, thùng mì tôm được trao tặng cho những người vô gia cư, những nạn nhân của thiên tai bão lũ. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, sẻ chia của những cá nhân, tập thể có một cuộc sống đủ đầy, nhưng luôn biết trân trọng những gì mà mình có được.
Vậy tại sao chúng ta phải đồng cảm, sẻ chia? Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người một số phận. Không ai giống ai. Cũng chẳng ai có thể chọn cho mình một hoàn cảnh gia đình hay một cơ thể khỏe mạnh cả. Sinh ra trong một gia đình giàu có, hạnh phúc, bản thân lại giỏi giang, tài cán hơn người thì sẽ thật tiếc nếu như ta không thể lấy đó làm cơ sở để đồng cảm, sẻ chia với những số phận kém may mắn. Việc đồng cảm, sẻ chia không chỉ giúp cho cuộc sống của những con người bất hạnh trở nên tốt đẹp hơn. Mà nó còn giúp cho những người giúp đỡ họ cảm thấy thanh thản, thấy được rằng hành động của mình là đúng đắn. Hơn nữa, sự đồng cảm, sẻ chia còn giúp gắn kết con người lại với nhau, giúp cho những người đang gặp khó khăn có thêm niềm tin vào một tương lai tươi sáng, từ đó có thể đứng dậy và bước tiếp.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có lối sống ích kỉ, vô cảm. Họ chỉ biết lo lắng cho bản thân mà mặc kệ người khác. Những người như vậy sẽ không thể thấu hiểu được nỗi đau khổ của người khác. Và vì thế, họ cũng không thể đồng cảm, sẻ chia với họ. Chúng ta cần phải phê phán những người có lối sống như vậy.
Có thể thấy, đồng cảm và sẻ chia là một nếp sống đẹp trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được nếp sống ấy. Bởi vậy, ngay từ giờ phút này, chúng ta hãy học cách lắng nghe để có thể đồng cảm, sẻ chia. Hãy dành một khoảng tiền nhỏ mỗi ngày để có thể góp phần giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn. Chắc chắn rằng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Hãy cứ cho đi rồi sẽ nhận lại. Bạn sẽ nhận được một cuộc sống ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Đừng ngần ngại khi mở rộng tấm lòng mình. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.