Đất nước ngày càng phát triển, nền kinh tế ngày càng chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mỗi người đều phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để góp phần xây dựng đất nước. Điều này đòi hỏi các bạn học sinh phải luôn nỗ lực học tập. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng áp lực học tập đang trở nên khá phổ biến. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lí đối với lứa tuổi học sinh.
Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Vì vậy, các bạn sẽ chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía. Trước hết là từ phía gia đình. Hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái sẽ giỏi giang, xuất chúng. Họ đặt ra cho con cái những kì vọng về thành tích và bắt buộc con cái phải đáp ứng những kì vọng đó. Họ không nhìn thấy những cố gắng và nỗ lực của con cái mà chỉ chú trọng vào thành tích. Do đó, họ la mắng, chửi bới con cái khi chúng không làm được những gì mà cha mẹ mong muốn. Bên cạnh đó, các bạn học sinh cũng tự tạo áp lực cho bản thân mình. Các bạn muốn bố mẹ vui vẻ, tự hào về mình, muốn bạn bè ngưỡng mộ nên đã tự đặt ra những mục tiêu bắt buộc bản thân phải hoàn thành đúng. Bất kì môn học nào các bạn cũng muốn được điểm cao, môn nào cũng muốn học giỏi. Các bạn luôn muốn mình phải đứng top đầu của lớp. Khi không đạt được những điều đó, các bạn cảm thấy thất vọng về bản thân, cảm thấy mình thật kém cỏi.
Ngoài ra, áp lực học tập còn đến từ nhà trường. Chương trình học ngày càng nặng nề, khối lượng kiến thức đổ vào đầu các bạn học sinh mỗi lúc một nhiều. Thêm nữa, nhà trường còn tổ chức thêm các cuộc thi đua, các phong trào, các câu lạc bộ đội nhóm,... khiến cho học sinh không biết làm sao để làm hài lòng tất cả. Tất cả những yếu tố trên khiến cho học sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm, tự tử.
Mỗi ngày, tin tức lại đưuọc cập nhật thêm những trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập, áp lực thi cử. Những cái chết thương tâm ấy để lại nỗi đau xót vô cùng. Áp lực học tập khiến cho các bạn học sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Khi phải gánh chịu quá nhiều áp lực, các bạn sẽ rơi vào trạng thái bế tắc, không tìm được lối thoát. Rất nhiều bạn đã tìm đến những cách tiêu cực để giải quyết vấn đề. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, áp lực học tập còn khiến cho các bạn học sinh cảm thấy chán nản, mất hứng thú với việc học.
Để giảm bớt áp lực học tập, mỗi người cần có những giải pháp phù hợp. Về phía gia đình, cha mẹ nên tạo một môi trường thoải mái để con cái được phát triển tốt nhất. Cha mẹ không nên đặt ra những kì vọng quá cao vào con cái, thay vào đó, hãy tôn trọng sở thích và khả năng của con, ủng hộ con trên mọi chặng đường. Gia đình sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho các bạn học sinh nếu như chúng ta mở lòng chia sẻ với cha mẹ. Về phía nhà trường, thầy cô không nên giao quá nhiều bài tập về nhà, không nên bắt học sinh nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Thay vào đó, hãy xây dựng chương trình học hợp lí, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa để học sinh vừa học vừa chơi, tạo ra sự hứng thú với việc học. Về phía bản thân học sinh, chúng ta cần có kế hoạch học tập phù hợp, không nên đặt ra những mục tiêu quá cao so với khả năng của bản thân. Hãy coi việc học là quá trình rèn luyện chứ không phải là cuộc đua thành tích. Bởi vậy, ngay từ hôm nay, hãy cân bằng giữa việc học và chơi để có được một sức khỏe tâm lí vững vàng nhất.
Chúng ta đều biết rằng mỗi người đều có những thế mạnh khác nhau. Có bạn học giỏi Toán, có bạn học giỏi Văn, có bạn giỏi Thể dục hoặc Âm nhạc,... Chúng ta không nên ép bản thân phải trở nên hoàn hảo, phải giỏi đều tất cả các môn. Thành tích là thứ quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả. Điều quan trọng nhất đó là chúng ta được thỏa mãn đam mê, được làm những điều mà chúng ta yêu thích. Hãy trân trọng bản thân và dành tặng cho bản thân những lời khen ngợi, động viên.
Hãy nhớ rằng, sức khỏe mới là điều quý giá nhất. Chúng ta cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để bản thân được thoải mái. Chỉ khi có được một sức khỏe tốt, chúng ta mới có thể làm được những điều mà chúng ta muốn.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi, hãy trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình chứ đừng lãng phí thời gian để làm phiên bản của người khác.