Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc với những sáng tác để lại trong long người đọc nhiều day dứt và ám ảnh. Mỗi câu chuyện của ông đều mang dáng dấp của một đời người, một kiếp người lầm than trong xã hội. Ông viết về chính cuộc đời họ, những nỗi niềm họ chưa biết giãi bày cùng ai. "Lão Hạc" là một tác phẩm như vậy, ngắn gọn, xúc tích và đặc biệt Nam Cao đã rất thành công khi khắc họa chân dung nhân vật lão Hạc - người nông dân nghèo khổ, bất hạnh bởi cái đói, cái nghèo nhưng vẫn luôn tỏa sáng trong tâm hồn với thiên lương trong sáng.
Câu chuyện kể về cuộc đời và số phận của người nông dân qua cái nhìn của thầy thứ giáo. Lão Hạc là một người nông dân vô cùng nghèo khổ, vợ mất sớm, đứa con trai duy nhất bỏ đi làm phu đồn điền cao su không biết bao giờ mới về. Lão sống lủi thủi với con chó vàng và chỉ có nó bầu bạn với lão hằng ngày, lão thương yêu và chăm sóc nó như một bà mẹ hiếm hoi thương yêu đứa con cầu tự. Nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn, lão ốm liền hơn hai tháng trời không ai chăm sóc, rồi trận bão vừa rồi khiến cả một sào hoa màu bị phá hủy, gạo cứ cạn dần, lão đành phải cắn răng bán cậu Vàng dù vô cùng đau đớn. Số tiền bán chó và bán hoa màu lão đem gửi ông giáo, chỉ lấy tiêu từng ngày. Sau đó lão quyết định tìm đến cái chết bằng bả chó để bảo toàn mảnh vườn cho con trai và không làm phiền tới hàng xóm láng giềng. Cái chết của lão Hạc dữ dội và bi thảm vô cùng, ông tự tử trong đau đớn và tủi nhục, thậm chí cái chết ấy còn chẳng được coi là một sự giải thoát. Cả cuộc đời lão dành tất cả yêu thương cho con trai, chấp nhận đối mặt với tuổi già, bệnh tật và cô đơn.
Nhưng cuối cùng lão vẫn không thể bảo vệ được con trai và cuối cùng lão chọn cái chết như một hành vi biểu hiện sự tự trọng của lão với cuộc đời. Lão Hạc là một người cha hết mực yêu thương con, lão luôn mang nặng niu tình cảm đó trong trái tim mình. Khi con bỏ đi làm ăn thì lão luôn nhớ con khôn nguôi, rồi khi con không có tiền cưới vợ lão buồn đến phát khóc, chỉ vì không lo được cho con cưới vợ mà lão luôn tự trách bản thân. Tình yêu thương con của lão thật giản dị nhưng cũng thật cảm động. Không chỉ là một người cha yêu thương con, lão còn là một người nông dân có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng tự trọng. Lão rất quý cậu Vàng, coi cậu như một người bạn, ăn cái gì cũng chia cho cậu, làm gì cũng có câu theo cạnh. Lão tâm sự với cậu Vàng như là tâm sự với những người thân yêu. Cậu Vàng như một phần trong đời sống của lão, là nguồn vui sống, là chỗ dựa tinh thần lớn lao của lão. Lão trò chuyện, mắng yêu, cưng nựng cậu Vàng, lão làm gì cũng nghĩ đến nó, lúc buồn, lúc cô đơn người lão tìm đến tâm sự cũng là nó. Cuộc sống của lão đơn độc, vắng vẻ lắm, chỉ có nó bầu bạn nên lão yêu thương nó là điều cực kỳ dễ hiểu.
Khi hoàn cảnh quá khó khăn, lão bị đẩy đến bước đường cùng, lão buộc phải bán cậu Vàng, nhưng không phải lão bán để ăn ngay mà lão gửi tiền vào nhà ông Giáo để sau này lão chết sẽ nhờ ông Giáo trao lại số tiền đó cho con trai lão. Lão âm thầm lặng lẽ sống, âm thầm lặng lẽ chịu đựng để giữ trọn vẹn tình yêu thương cho con. Thật cảm động! Và cuối cùng, khi đã bị dồn vào bước đường cùng, lão đã kết thúc cuộc đời mình bằng một liều bả chó mà lão xin của Binh Tư. Ôi chao! Một người nông dân giàu lòng tự trọng, giàu tình yêu thương và sống trọn vẹn với nghĩa cử cao đẹp.
Có thể nói rằng, nhà văn Nam Cao bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình với những chi tiết giàu sức gợi đã tạo nên một bức chân dung nhân vật lão Hạc hết sức đẹp đẽ, sáng ngời. Qua đó thể hiện được cái tâm của một nhà văn luôn nhìn đời bằng đôi mắt chan chứa tình người. Lão Hạc mãi mãi để lại trong lòng người đọc một nỗi ám ảnh và xót thương vô hạn.
Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng sâu sắc và tinh tế, Nam Cao đã khắc họa thành công hình tượng lão Hạc với những diễn biến tâm trạng vô cùng chân thật và gần gũi. Qua đó, nhà văn đã thể hiện được một tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với những con người bất hạnh mà giàu tình người trong xã hội cũ. Đồng thời, cũng qua nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã cho thấy bức tranh chân thực về hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, là tiếng nói lên án tội ác của chế độ thực dân phong kiến áp bức, bóc lột nhân dân lao động. Vì vậy, lão Hạc chắc chắn sẽ mãi còn tồn tại với thời gian để cho chúng ta thấy được tầng lớp xã hội trước cách mạng và cả những giá trị nhân đạo mà tác giả gửi gắm trong đó.